Thiếu “bột”, khó gột nên “Hồ”

Giáo dục - Ngày đăng : 06:37, 27/01/2013

(HNM) - Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 đã được khởi động, rõ lộ trình, nhiệm vụ cụ thể, nhằm mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện công tác GD-ĐT, bảo đảm công bằng và nâng cao chất lượng đào tạo. Để có thể thực hiện chiến lược, cần phải giải những bài toán cơ bản mà dư luận đặt ra, đặc biệt là về kinh phí và nhân lực. Vậy, đâu là những vấn đề cần phải tập trung tháo gỡ ngay?

Đổi mới quan điểm đầu tư

Tư tưởng xuyên suốt từ quan điểm đến mục tiêu, giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 là ưu tiên nâng cao chất lượng giáo dục, lấy người học là trung tâm, hướng tới phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học, bảo đảm công bằng trong giáo dục, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân, góp phần từng bước xây dựng xã hội học tập. Những mục tiêu của từng cấp học cũng được xác định cụ thể, như thu hút 80% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp; 70% trẻ khuyết tật được đi học, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và ĐH đạt khoảng 70%; 98% số người từ 15 tuổi trở lên biết chữ…

Chất lượng giáo viên có vai trò quan trọng trong Chiến lược phát triển giáo dục. Ảnh: Bá Hoạt


Mục tiêu lớn, nhỏ đều đã được xác định rõ. Lộ trình và các nhiệm vụ phải triển khai từ nay tới năm 2020 cũng đã được bàn giao cho các đơn vị tại hội nghị trực tuyến triển khai chiến lược - do Bộ GD-ĐT tổ chức ở 6 điểm cầu vào giữa tuần này. Song, điều khiến nhiều người băn khoăn là khi đề cập tới việc thực hiện mục tiêu xuyên suốt từ nay đến năm 2020 với cả núi công việc, không mấy ai đưa ra lời giải thấu đáo cho bài toán kinh phí - vấn đề quan trọng bậc nhất đối với việc thực hiện thành công chiến lược. Việc đặt ra những chỉ tiêu quá cao trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhận thức, quan điểm đầu tư cho GD-ĐT ở nhiều nơi còn hạn chế cũng khiến nhiều người lo ngại về tính khả thi. Đơn cử như mục tiêu "tăng cường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để HS được tăng thời lượng tự học, thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện" chưa phù hợp đối với nhiều trường ở miền núi, vùng sâu, vùng xa… Trong thực tế, ở nhiều nơi, nhiều trường tổ chức dạy - học 1 buổi/ngày còn khó đủ bề, đâu có dễ mà nghĩ chuyện cho HS học 2 buổi/ngày. Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên Lê Văn Quý dẫn chứng: Điện Biên mới có 50% số phòng học được xây dựng kiên cố hóa, ở số trường còn lại HS phải chia học 2 ca. Trong khi đó, ngân sách đầu tư xây dựng phát triển của cả địa phương năm nay là 100 tỷ đồng, rất thiếu thốn, việc đầu tư phụ thuộc vào các chương trình, đề án của Bộ GD-ĐT.

Đồng quan điểm này, hầu hết các ý kiến đều đề nghị Chính phủ nên tăng cường đầu tư, gắn nhiệm vụ triển khai với kinh phí cụ thể theo từng giai đoạn để có tính toán chi tiết, phù hợp với từng phần việc. Nhiều địa phương cho rằng trong việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là việc triển khai đề án kiên cố hóa trường, lớp trong giai đoạn tới, nên có khảo sát cụ thể và điều chỉnh cách phân bổ kinh phí. Không nên phân bổ bình quân xây dựng mỗi phòng học là 180 triệu đồng như hiện nay, mà nên dựa trên điều kiện cụ thể ở từng nơi. Việc đòi hỏi nguồn vốn đối ứng để kiên cố hóa trường, lớp cũng là rào cản, khiến cho việc triển khai thực hiện ở những vùng khó khăn càng khó khăn hơn.

Cải tổ "cỗ máy cái"

Tổng hợp số liệu sau hội nghị giao ban GD-ĐT năm học 2012-2013 cho thấy, ở các cấp học vẫn còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu GV. Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thừa nhiều GV THPT nhất. Ước tính từ nay đến năm 2020, số liệu GV THPT cần giảm hằng năm ở khu vực này là khoảng 350 người; Đồng bằng sông Hồng mỗi năm cần giảm 300 GV; Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long mỗi nơi cần giảm 200 GV/năm… Trong khi đó, cấp học mầm non còn thiếu gần 23 nghìn GV, ngay như Hà Nội cũng còn thiếu hơn 2 nghìn GV. Cả nước còn gần 4% GV mầm non chưa đạt chuẩn, 40% GV mầm non ngoài biên chế chưa được hưởng lương theo ngạch bậc. Thực tế này cho thấy việc đầu tư nâng cao chất lượng GV là yếu tố then chốt để thực hiện thành công Chiến lược phát triển ngành giáo dục 2011-2020. Bên cạnh việc tăng cường đầu tư kinh phí để phát triển giáo dục, chất lượng đội ngũ GV có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy - học của toàn ngành. Trong lộ trình triển khai chiến lược, nhiều địa phương đề nghị Chính phủ sớm điều chỉnh, ban hành các chính sách ưu đãi, đãi ngộ tương xứng để nâng cao chất lượng đội ngũ GV. Đây là giải pháp thiết thực, tác động trực tiếp đến việc học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của GV.

Để khắc phục tình trạng một bộ phận GV non yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, cần phải bắt đầu "cải tổ" từ "cỗ máy cái"- các trường, khoa thuộc ngành sư phạm. Kết quả kỳ thi tuyển sinh của các trường sư phạm trong những năm gần đây cho thấy, "đầu vào" của các trường hầu hết không cao, nhiều HS có điểm trung bình vẫn trúng tuyển. Mà không có "bột" thì khó gột nên "hồ". Vì vậy, việc thu hút HS giỏi vào ngành sư phạm là việc làm cần thiết và phải nghĩ ra cách làm ngay. Đại diện các sở GD-ĐT đề xuất: Nếu đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015 được Chính phủ phê duyệt vào cuối năm nay, các trường sư phạm cần triển khai cho giảng viên, sinh viên tiếp cận ngay với nội dung mới, tránh tình trạng sinh viên khi ra trường, đi dạy rồi mà vẫn phải đào tạo lại, vừa mất thời gian vừa gây tốn kém. Bên cạnh đó, việc đánh giá sinh viên sư phạm hiện nay không thống nhất, nơi lỏng, nơi chặt, vì vậy Bộ nên có thước đo chung cho việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên khối các trường sư phạm, tạo công bằng và bảo đảm chất lượng thực chất đối với những tân GV.

Việc quy hoạch trong đào tạo sư phạm cũng là vấn đề cần tính đến trong chặng đường triển khai Chiến lược phát triển giáo dục từ nay đến năm 2020, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu GV. Thống kê của Bộ GD-ĐT mới đây cho thấy, cấp THPT đang thừa nhiều GV trong khi tiểu học và mầm non lại không tuyển được người dạy. Nếu cố "vơ bèo" thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

- Một số nhiệm vụ cơ bản trong chương trình hành động của ngành GD-ĐT từ nay tới năm 2020: Thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực; khắc phục cơ bản tiêu cực trong dạy thêm, thi cử và thu - chi; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường ĐH, CĐ; phổ cập mầm non 5 tuổi, tăng cường phân luồng HS sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn; cải tiến chế độ, chính sách với nhà giáo; đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông; giải quyết tình trạng trường học xuống cấp, việc học tạm bợ.

Thống Nhất