Việt Nam mất 1 tỉ USD/năm khi bệnh nhân xuất ngoại chữa bệnh

Đời sống - Ngày đăng : 14:39, 26/01/2013

(HNMO) – Đó là thống kê của Bộ Y tế tại buổi Hội thảo “Thành tựu y học Việt Nam thời kỳ đổi mới – Người Việt Nam ưu tiên khám, chữa bệnh tại Việt Nam” tổ chức ngày 26-1 tại TP Hồ Chí Minh.

Một ca ghép gan phức tạp được các bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh)


Tham gia Hội thảo gồm có lãnh đạo Bộ Y tế, Cục quản lý khám chữa bệnh, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và lãnh đạo của gần 100 bệnh viện (BV) công, tư, hiệp hội trên cả nước.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã được nghe nhiều tham luận như: Làm thế nào để “kéo” bệnh nhân (BN) có nguồn tài chính dồi dào quay trở lại trong nước điều trị? Cách tuyên truyền như thế nào cho hiệu quả? Thế mạnh của các BV nước ta hiện nay ra sao?..., nhằm tháo gỡ vướng mắc, tìm hướng khẳng định vị thế cho ngành y tế và giới thiệu được thế mạnh của mỗi BV trong nước. Tiến sĩ Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết năm 2012, cả nước có trên 100 triệu lượt BN điều trị nội và ngoại trú – một con số rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay ngành y tế chỉ đáp ứng được 21,1 giường bệnh/1 vạn dân. Chính điều kiện và các dịch vụ khám, chữa bệnh là nguyên nhân quan trọng khiến các BN đổ ra nước ngoài chữa trị. Trong khi, trình độ đội ngũ bác sĩ trong nước không hề kém so với nước ngoài. Thậm chí, nhiều bệnh phức tạp cũng được chữa khỏi ở nước ta mà các bác sĩ các nước phát triển cũng rất khen ngợi.

Ngoài ra, theo đại diện Bộ Y tế, ngành y tế trong nước hiện còn gặp nhiều khó khăn như: thiếu trang thiết bị hiện đại, phòng ốc chưa đảm bảo, nguồn tài chính phục vụ cho phát triển y tế còn quá ít, chế độ cho các bác sĩ chưa được quan tâm xác đáng, thái độ phục vụ BN của một số bộ phận bác sĩ chưa tốt… cũng là nguyên nhân BN “sính ngoại”.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, hiện mỗi năm, Việt Nam mất 1 tỉ USD do hơn 40.000 BN mang ra nước ngoài để khám, chữa bệnh. Thậm chí, nhiều bệnh như: tim mạch, ung thư, tiêu hoá, mạch máu, thẩm mĩ… các bác sĩ (BS) trong nước thực hiện rất tốt nhưng nhiều người bệnh vẫn không tin vào tay nghề của các BS trong nước. Trong khi, nhiều kỹ thuật mới ở nước ta đã phát triển tương đương khu vực và các nước phát triển như: ghép tạng, tim mạch, mắt, thẩm mỹ, nha khoa, kỹ thuật nội soi… và còn giảng dạy cho các BS nước ngoài.

Hà Tuấn