Cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép
Thế giới - Ngày đăng : 08:15, 26/01/2013
Triều Tiên có thể phóng tên lửa đạn đạo với tầm bắn 10.000km. |
Dù không đề cập đến thời gian cũng như địa điểm về các vụ phóng thử hay giải thích về ý nghĩa của tên lửa "cấp độ cao", nhưng tuyên bố cho thấy quan điểm cứng rắn của Triều Tiên về phát triển hạt nhân bất chấp nghị quyết của LHQ. So với Nghị quyết 1874 năm 2009, Nghị quyết 2087 vừa được 15 nước ủy viên thông qua ngày 23-1 tiếp tục lên án Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo cũng như nhập khẩu nguyên liệu và công nghệ cho chương trình này, và còn bổ sung thêm 6 thực thể của Triều Tiên, trong đó có Cơ quan hàng không vũ trụ, Ủy ban Công nghệ vũ trụ… vào "danh sách đen" trước đó của LHQ và sẽ bị phong tỏa tài sản trên toàn thế giới.
Mở rộng lệnh trừng phạt hiện có, Nghị quyết 2087 được Mỹ và một số quốc gia đánh giá như một biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Triều Tiên. Trong phản ứng mới nhất về tuyên bố của Triều Tiên sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba và các vụ phóng tên lửa mới, chính quyền Mỹ ngày 24-1 cho biết sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt với Bình Nhưỡng và chỉ trích đây là hành động "khiêu khích không cần thiết". Giữa lúc LHQ hối thúc cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng nhằm ngăn nước này tiến hành thử hạt nhân, Bộ Tài chính Mỹ ngày 24-1 đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với các thực thể và cá nhân Triều Tiên bị tình nghi liên quan đến hoạt động phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Song, điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm là việc Trung Quốc - quốc gia luôn phản đối việc thắt chặt lệnh trừng phạt Triều Tiên với lý do lo ngại căng thẳng leo thang trong khu vực đã ủng hộ việc thông qua nghị quyết mới nhất này. Đây là thông điệp cứng rắn của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên không còn trong thời kỳ "trăng mật" dưới thời hai nhà lãnh đạo mới hiện nay; hay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang thực hiện đường lối đối ngoại độc lập hơn với Trung Quốc? Một số ý kiến khác cho rằng, việc Bắc Kinh ủng hộ Nghị quyết của HĐBA LHQ là tín hiệu cho thấy Trung Quốc muốn xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Washington trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Trung - Nhật về chủ quyền lãnh hải không ngừng gia tăng. Nhận định trên càng có cơ sở khi báo chí Trung Quốc ngày 25-1 cho biết, nước này có thể sẽ cắt giảm viện trợ cho Triều Tiên nếu chính quyền Bình Nhưỡng tiếp tục xúc tiến kế hoạch thử hạt nhân.
Năm 2013 đánh dấu tròn 10 năm kể từ khi tiến trình đàm phán 6 bên gồm: Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga được khởi động nhằm ngăn chặn tham vọng phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng. Mặc dù các bên liên quan đã tiến hành không ít cuộc đàm phán nhưng tiến trình đầy gai góc này đã phải dừng lại từ năm 2008 đến nay do không thể tìm được tiếng nói chung. Tương lai nối lại tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đang ngày một xa vời khi Bình Nhưỡng mới đây lên tiếng khẳng định sẽ không bước vào đàm phán mà thay vào đó là các kế hoạch tăng cường khả năng quân sự và hạt nhân của mình. Không những thế, Triều Tiên còn khẳng định sẽ có "hành động đáp trả mạnh tay" với Hàn Quốc nếu nước này trực tiếp tham gia các lệnh trừng phạt mới của LHQ.
Bán đảo Triều Tiên lại nóng lên từng ngày sau khi các nguồn tin tình báo Hàn Quốc cho biết, Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ ba sau hai vụ thử năm 2006 và 2009. Theo nhận định của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Triều Tiên có thể đã sở hữu công nghệ để thực hiện một vụ phóng tên lửa đạn đạo với tầm bắn hơn 10.000km đủ vươn tới bờ biển phía Tây nước Mỹ.