Tính thời sự từ câu chuyện lịch sử

Văn hóa - Ngày đăng : 07:50, 26/01/2013

(HNM) - Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa tổng duyệt vở

Nguyễn Tri Phương chỉ huy quân đội triều đình nhà Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược, tại Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX. Ông được nhân dân rất mực kính phục, là một tấm gương trung liệt, xả thân vì sự trọn vẹn của giang sơn. Vở diễn "Nguyễn Tri Phương" nhắc về giai đoạn bi tráng, khốc liệt nhất trong cuộc đời ông: chiến đấu và hy sinh ở thành Hà Nội (năm 1873). Tất nhiên, nó kết thúc bằng cái chết của vị đại thần quyết chết vinh còn hơn sống lay lắt trong sự kiềm tỏa của kẻ thù, càng khiến người xem nghĩ suy nhiều hơn tới trách nhiệm của cá nhân với non sông đất nước.


Một cảnh trong vở tuồng “Nguyễn Tri Phương”.


Đạo diễn Đặng Bá Tài chia sẻ, điểm mấu chốt thôi thúc anh cùng ê kíp dựng vở này là "Tinh thần xả thân để giữ thành Hà Nội, là sự hành xử của người anh hùng trước vận mệnh đất nước. Biết thời thế, biết hoàn cảnh, nhưng người anh hùng không vì thế yếu mà trốn tránh trách nhiệm… Ai cũng chỉ lo cho bản thân thì vận mệnh đất nước sẽ ra sao?".

Cuộc đời vị anh hùng Nguyễn Tri Phương ai cũng rõ và nghệ thuật, nhất là nghệ thuật tuồng - được đánh giá là kén người xem, khó cảm nhận, phải thể hiện như thế nào để tạo dấu ấn? Theo nhận định của những thành viên Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, vở diễn đã đan cài nhuần nhị những chi tiết rất "nóng" của cuộc sống hôm nay vào câu chuyện lịch sử. Chính vì thế, đã thay đổi suy nghĩ của nhiều khán giả trẻ.

Theo nhà văn Chu Lai, điểm mấu chốt làm nên thành công của vở diễn là sự kết hợp tuyệt vời của ánh sáng, âm thanh và đặc biệt là nghệ thuật diễn xuất. Các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam đã có những giây phút xuất thần trên sân khấu, mỗi cảnh, mỗi vai đều thấy sự đầy đặn cảm xúc. Ấn tượng từ vở diễn còn là cách sắp đặt trên sân khấu với chín chiếc đỉnh đời Nguyễn, được đúc với kỹ thuật cao, ghi rõ ranh giới địa lý nước ta thuở đó, bảo đảm tính thẩm mỹ… Ngoài ý nghĩa biểu trưng cho vẻ đẹp và quyền uy, chín chiếc đỉnh được bố trí linh hoạt trong suốt vở diễn, tạo cảm giác về không gian, thời gian cho các cảnh…

Tuy nhiên, trong vở "Nguyễn Tri Phương", khán giả kỹ tính vẫn có thể "bắt" được vài lỗi, nhất là tính logic. Ví dụ, có đoạn hai viên quan đã bị bắt, nhưng cảnh sau vẫn thấy họ xuất hiện, tiếp tục có những hành động chống đối Nguyễn Tri Phương… Nhà văn Chu Lai cho rằng, cần nâng tầm Nguyễn Tri Phương hơn nữa bằng cách tô đậm hình ảnh kẻ thù. Bởi, trong vở diễn, chi tiết về các thế lực cản trở ông được xây dựng còn non và không ít chi tiết ngô nghê.

Dù còn nhiều điểm cần chỉnh sửa sau đêm diễn này nhưng khán giả và các nhà chuyên môn đều cho rằng, "Nguyễn Tri Phương" khá hấp dẫn, là một vở diễn ấn tượng về nhân vật lịch sử.

Cao Ngọc