Năm cha, ba mẹ!

Đời sống - Ngày đăng : 07:22, 26/01/2013

(HNM) - Theo thống kê, cả nước hiện có gần 300 văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP), song đây vẫn luôn là vấn đề gây bức xúc nhất là mỗi dịp tết đến xuân về.

Cuối năm, người tiêu dùng càng bị "nhiễu" khi hàng loạt thông tin măng khô có chứa lưu huỳnh, gà thải loại có chứa tồn dư kháng sinh… vẫn tiếp tục luồn vào thị trường. Tiếp đến là mứt, ô mai mất vệ sinh, rau sạch trà trộn rau bẩn, gà dán mác gà đồi nhưng không phải gà đồi...

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên theo đánh giá từ chính những người trong cuộc là do còn quá nhiều khoảng trống trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Chẳng hạn trong Thông tư 30 của Bộ Y tế chính thức có hiệu lực từ ngày 20-1, quy định nguyên liệu dùng để chế biến phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, bảo đảm an toàn theo quy định. Tuy nhiên, với các quán ăn hè phố mang tính chất nhỏ lẻ, quy định này khó khả thi. Nếu phạt thì mức phạt bao nhiêu là đủ, cơ quan nào đứng ra thu cũng là vấn đề được người dân quan tâm.

Hay như tại Luật An toàn thực phẩm, một văn bản có tính pháp lý cao nhất về lĩnh vực này cũng quy định, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. Theo đó, Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, ngành quản lý về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật lại là Bộ Công thương. Thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thiếu sự phân công, phân nhiệm rõ ràng cùng với chế tài xử lý vi phạm về ATTP thiếu và yếu nên chẳng thể tránh khỏi tình trạng "năm cha, ba mẹ" trong quản lý vệ sinh ATTP hiện nay.

Trong khi chờ đợi thực phẩm có thể được quản lý khép kín theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, người tiêu dùng mong muốn các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện các lỗ hổng trong khung pháp lý về lĩnh vực này.

An Trân