Một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử
Chính trị - Ngày đăng : 07:57, 25/01/2013
Giới ngoại giao Pháp rất vui mừng khi một Hiệp định hòa bình giữa Mỹ và Việt Nam được ký kết. Vì, từ khi tướng Charles de Gaulle lên nắm quyền, chính sách ngoại giao của Pháp không ngừng khuyến khích các bên tham chiến ưu tiên cho các cuộc đàm phán trực tiếp để đi đến một giải pháp chính trị. Khi các cuộc đàm phán diễn ra, giới ngoại giao Pháp đã gợi ý về các giải pháp mang tính nhân nhượng và thỏa hiệp để tìm lối thoát cho cuộc chiến và kết tội tất cả những ai nuôi tham vọng leo thang chiến tranh, đặc biệt là chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh" của Tổng thống Mỹ Nixon và các trận ném bom xuống Hà Nội - Hải Phòng vào tháng 12-1972. Trong giới dân sự, người dân Pháp, các nhà báo, các chuyên gia hay thành viên của các tổ chức nhân đạo đều cam kết đứng về phía Việt Nam. Henri Froment-Meurice - Vụ trưởng Vụ Châu Á - Châu Đại Dương của Bộ Ngoại giao Pháp cuối thập niên 60 nhận định rằng, cuộc tấn công của Mỹ vào miền Bắc Việt Nam là sự thất bại của chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh". Việt Nam đã buộc Mỹ phải từ bỏ vũ lực và phải lựa chọn giải pháp chính trị hoặc đối mặt với một cuộc chiến không có hồi kết.
Giáo sư Jean - Christophe Noel - Chuyên gia hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Pháp:
Dưới góc nhìn quân sự, kết quả của cuộc oanh tạc vào Giáng sinh năm 1972 có thể có nhiều cách lý giải mâu thuẫn nhau. Người Việt Nam kỷ niệm sự kiện này như một Điện Biên Phủ trên không, một cuộc chiến dẫn tới thắng lợi trên bàn đàm phán Hiệp định Paris, mở ra con đường thống nhất đất nước. Người Mỹ, đặc biệt là một số quân nhân và nhà bình luận nhấn mạnh rằng, Hà Nội đã nhanh chóng khẳng định được vị trí trên bàn thương thuyết và cho rằng Việt Nam có thể thắng lợi kể cả Washington sử dụng không giới hạn tất cả các phương tiện quân sự. Với các tướng lĩnh Mỹ như Đô đốc Grant Sharp, tướng LeMay hoặc Momyer, đây là cuộc tấn công nhằm đè bẹp mọi sức phản kháng của Hà Nội và chứng tỏ kẻ có sức mạnh là kẻ chiến thắng. Ngược lại, Việt Nam đã cho thấy họ thực sự là một thách thức đối với người Mỹ. Việt Nam là một đất nước mà tinh thần quyết tâm giành chiến thắng luôn đặt ở mức độ cao nhất.
Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng, chiến dịch không kích của Mỹ vào miền Bắc Việt Nam dịp Giáng sinh năm 1972 có thể được nhìn nhận theo khía cạnh đôi. Thứ nhất, sự kiện này tiêu biểu cho việc chấm dứt can thiệp quân sự của Mỹ tại Việt Nam, một chiến thắng vang dội của trận Điện Biên Phủ trên không và có ý nghĩa quan trọng đối với Đại thắng mùa xuân năm 1975. Nhưng, đây cũng có thể được xem là sự khởi đầu của sự hòa giải giữa người dân Mỹ và Việt Nam. Câu chuyện về Đại tá Keith R.Heggen có thể là minh chứng rõ nhất cho điều này. Đại tá K.R.Heggen bị thương nặng khi tham gia không kích miền Bắc Việt Nam ngày 21-1-1972 và qua đời 5 ngày sau đó. Năm 1974, khi thi thể của ông được đưa về an táng tại đồi Arlington gần thủ đô Washington D.C. kèm theo một hòn đá từ ngôi mộ tại Việt Nam, vợ của ông phát hiện ra rằng, bỏ qua thù hận, một người Việt Nam nào đó đã dành thời gian tỉ mỉ chạm khắc lên hòn đá một bông hoa nhỏ để viếng K.R.Heggen. Câu chuyện này cho thấy, chúng ta có thể phải trải qua nhiều đau thương, nhưng sự phi thường của con người là biết vượt qua những đau thương đó.