Đầu tư, xây dựng nguồn nhân lực mạnh: Mũi nhọn là giáo dục
Giáo dục - Ngày đăng : 07:22, 24/01/2013
Theo đó, một mũi nhọn là "phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân thành hệ thống giáo dục mở và xây dựng xã hội học tập...".
Sinh viên Đại học FPT trao đổi bài. Ảnh: Thanh Hải |
Một yêu cầu của CNH, HĐH đất nước là nguồn nhân lực phải có sức khỏe và tiếp thu nhanh kiến thức khoa học, công nghệ mới, có kỹ năng làm việc trong môi trường công nghệ, kỹ thuật ngày càng đổi mới và phát triển. Do vậy, phát triển nhân lực phải tập trung vào thế hệ trẻ. Vấn đề đặt ra là trong điều kiện đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập thì giáo dục, đào tạo phải làm sao để thế hệ trẻ trở thành đội quân xung kích vào khoa học công nghệ mới? Hiện tại, nước ta có hơn 50 triệu người ở độ tuổi lao động nhưng số người từ 15 tuổi trở lên được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật mới chiếm chưa tới 40%. Cơ cấu đào tạo lại bất hợp lý, tình trạng thiếu nhân lực được đào tạo ngày càng trầm trọng. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm trên thang 10 điểm về chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực, trong khi Hàn Quốc là 6,91; Ấn Độ là 5,76; Malaysia là 5,59; Thái Lan là 4,94.
Với mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì công việc cấp bách là nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, thúc đẩy sự nghiệp khoa học công nghệ, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Muốn vậy, phải có chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ giáo dục, đội ngũ thầy cô giáo một cách đồng bộ, khoa học, có những chính sách thu hút và tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học giáo dục làm việc, cống hiến và giao lưu quốc tế. Ngành giáo dục cần có những quyết sách lớn về trọng dụng nhân tài giáo dục. Vì đây là khâu đột phá, mở ra những sáng tạo để đổi mới, phát triển giáo dục theo hướng hiện đại. Nhân tài giáo dục là tinh hoa của tinh hoa giáo dục, là người có tư duy sáng tạo và đổi mới về giáo dục, nếu trọng dụng được, kể cả người nước ngoài, thì chấn hưng giáo dục chỉ còn là vấn đề thời gian, tránh được những lãng phí to lớn như đã xảy ra mấy chục năm qua.
Để trọng dụng được nhân tài giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp xây dựng và đề xuất những chính sách, đề án mới đối với lực lượng làm công tác giáo dục, đào tạo. Những chính sách, đề án mới cần quán triệt đầy đủ quan điểm trọng dụng nhân tài giáo dục trong thời kỳ mới. Các cơ sở giáo dục, đào tạo cần phải tích cực giới thiệu với ngành và các cơ quan hữu quan những nhân tài giáo dục để thực hiện chính sách đãi ngộ phù hợp; tăng cường nhân tài và cơ sở vật chất cho hệ thống các trường sư phạm từ cấp mẫu giáo trở lên. Mặt khác, đổi mới chính sách tuyển sinh ở các trường sư phạm nhằm thu hút những lực lượng tinh hoa trong học sinh, sinh viên.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ, giải pháp vừa cơ bản, vừa cấp bách là phát triển, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo một cách toàn diện gắn kết giáo dục và dạy nghề với nghiên cứu khoa học, công nghệ và bám sát, thậm chí đi trước một bước yêu cầu phát triển kinh tế đất nước, nhu cầu thị trường, sự phát triển của doanh nghiệp. Trong đó cần chú trọng hai lĩnh vực là mở rộng đào tạo công nhân, kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ và đào tạo đại học, trên đại học. Đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy tư duy sáng tạo và năng lực đào tạo của người học. Đổi mới chương trình đào tạo đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề thiết thực, hiện đại. Cần chú trọng trang bị kiến thức tin học, ngoại ngữ cho sinh viên là những công cụ để có thể tiếp cận nhanh với xã hội, thế giới, tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Phát triển kinh tế tri thức, hội nhập, tham gia toàn cầu hóa kinh tế, trong vài ba thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, Việt Nam phải xây dựng một chiến lược tổng thể quốc gia và chương trình hành động cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, thật sự coi giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu. Giáo dục, đào tạo là sự nghiệp của toàn dân, toàn Đảng, cho nên một việc có ý nghĩa rất thiết thực trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xã hội hóa giáo dục là thu hút các tổ chức xã hội chăm lo phát triển giáo dục và bảo vệ trẻ em, phát triển giáo dục đào tạo một cách toàn diện. Đây cũng chính là một trong ba khâu đột phá mà nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã nêu nhằm phát triển đất nước nhanh và bền vững.