Những sai phạm nghiêm trọng ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân không được xử lý

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:18, 24/01/2013

(HNM) - Ngày 20-1-2013, Báo Hànộimới nhận được đơn kiến nghị của tập thể cán bộ, giáo viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân phản ánh bức xúc trước việc đã hơn một tháng kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có kết luận thanh tra...

Điều đáng ngạc nhiên là, với các trường khác, mức độ sai phạm nhẹ hơn, Bộ lại đề nghị xử lý kỷ luật cảnh cáo, hoặc khiển trách; còn với hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại Trường ĐHKTQD thì chỉ "hướng dẫn hiệu trưởng, hiệu phó kiểm điểm trách nhiệm".

Dự án Nhà Trung tâm đào tạo của Trường Đại học Kinh tế quốc dân sau nhiều năm thi công vẫn chưa xong.


Sai phạm nghiêm trọng - để… tự kiểm điểm

Trong 4 nhóm vấn đề để xảy ra sai phạm, thiếu sót nghiêm trọng tại Trường ĐHKTQD mà Thanh tra Bộ GD&ĐT kết luận gồm công tác tổ chức cán bộ, đào tạo, thu chi tài chính, xây dựng cơ bản, chúng tôi chỉ xin dẫn lại hai sai phạm: Thứ nhất, ĐHKTQD đã thu sai, thu vượt nhiều khoản như: Thu phí đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ không có trong quy định với số tiền trên 22 tỷ đồng; thu vượt quy định về học phí nâng điểm hệ chính quy số tiền hơn 3 tỷ đồng; thu vượt quy định lệ phí tuyển sinh các hệ với số tiền gần 8 tỷ đồng và thu ngoài quy định số tiền hơn 18 tỷ đồng, thu phí trông giữ xe vượt quy định gần 230 triệu đồng… Tổng cộng, trường đã thu sai quy định hơn 51 tỷ đồng.

Không chỉ có thế, cũng trong lĩnh vực quản lý kinh tế, là hiệu trưởng một trường kinh tế, chắc chắn Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam phải nắm rõ các sắc thuế và nguyên tắc trong quản lý thu, chi. Thế nhưng, qua kết quả thanh tra của Cục Thuế Hà Nội, Trường ĐHKTQD có nhiều sai phạm và bị xử phạt, truy thu hơn 7 tỷ đồng. Thứ hai, về công tác đào tạo, tuyển sinh, cụ thể là việc chuyển 54 thí sinh từ Trường Đại học Tây Bắc về Trường ĐHKTQD là không phù hợp với Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng và các hợp đồng liên kết; việc chuyển ngành học cho một số sinh viên là không đúng. Theo ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, "trong công tác đào tạo, trường tự ý chuyển 54 sinh viên từ Trường Đại học Tây Bắc về học tại trường là việc làm vô lối, sai quy định". Ngoài ra, việc triển khai chương trình bồi dưỡng và cấp chứng chỉ sau đại học cho 787 người, sử dụng kết quả này thay nội dung bổ sung kiến thức thi cao học cho 83 người là không phù hợp với Luật Giáo dục và Quy chế đào tạo học vị thạc sỹ.

Trước những sai phạm nghiêm trọng nói trên của Trường ĐHKTQD, lẽ ra sau khi có kết luận thanh tra, Bộ GD&ĐT phải giao các cơ quan chức năng đề xuất biện pháp xử lý kỷ luật các tập thể, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật nhưng Bộ lại giao Vụ Tổ chức - Cán bộ "hướng dẫn hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng tiến hành kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến những thiếu sót, sai phạm thuộc 4 nhóm vấn đề đã nêu trong Kết luận thanh tra và đề xuất phương án xử lý kỷ luật theo đúng quy định của pháp luật". Khi được hỏi tại sao lại như vậy? Ông Trần Kim Tự, Vụ phó Vụ Tổ chức - Cán bộ, Bộ GD&ĐT trả lời: "Kết luận đã như thế rồi, thì bây giờ là công việc của họ". Chính vì cách xử lý đối với sai phạm nghiêm trọng tại Trường ĐHKTQD như trên của Bộ GD&ĐT, dư luận không thể không đặt câu hỏi: Phải chăng Bộ đang nhẹ tay với các trường do Bộ trực tiếp quản lý?

Một dẫn chứng cụ thể là ngày 28-12-2012 vừa qua, Bộ GD&ĐT công bố kết luận thanh tra về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh ở một số trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Trong đó, 7 hiệu trưởng các trường (đều không do Bộ trực tiếp quản lý) chỉ mắc lỗi "tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 vượt năng lực đào tạo thực tế" đã ngay lập tức bị đề nghị xử lý kỷ luật cảnh cáo và khiển trách. Trong khi đó, Trường ĐHKTQD với hàng loạt sai phạm nghiêm trọng lại phải qua trình tự "hướng dẫn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng kiểm điểm trách nhiệm". Điều này khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi về sự thiếu công bằng, nghiêm minh trong các quyết định xử lý kỷ luật sau thanh tra của Bộ GD&ĐT? Hay là do một số cán bộ sai phạm (theo kết luận của thanh tra) chỉ còn vài tháng nữa hết nhiệm kỳ, cho nên như cách nói của ông Trần Kim Tự là "động chạm đến kỷ luật nó là cả một vấn đề"?

Chính vì để Ban Giám hiệu Trường ĐHKTQD tự kiểm điểm nên mới dẫn đến chuyện "câu giờ". Sau khi có kết luận thanh tra, cũng là lúc Trường ĐHKTQD tổ chức việc thí điểm giảng viên tham gia đánh giá Hiệu trưởng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Mặc dù sai phạm đã rành rành trong các kết luận của thanh tra Bộ, nhưng Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam vẫn khẳng định là mình làm đúng. Kết luận thanh tra chỉ rõ: "Công tác bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, chưa thực hiện đánh giá cán bộ bằng văn bản và không lấy phiếu tín nhiệm nguồn tại chỗ là không đúng". Vậy nhưng, trong báo cáo của Hiệu trưởng Trường ĐHKTQD về kết quả thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2008 - 2012 lại khẳng định: "Trường thực hiện thuyên chuyển, điều động cán bộ theo đúng quy định, xuất phát từ đề đạt của đơn vị". Như thế, phải chăng kết luận của Thanh tra Bộ là sai?

Quá nhiều bức xúc

Các nhà giáo nguyên là Hiệu trưởng Trường ĐHKTQD đều tỏ ra rất bức xúc khi được Đảng ủy nhà trường xin ý kiến để thực hiện kiểm điểm đảng viên theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Ngày 25-1 này, Trường ĐHKTQD sẽ kỷ niệm 57 năm thành lập, theo các vị hiệu trưởng tiền bối, công lao, thành tích, tiếng tăm của một trong những trường đại học hàng đầu quốc gia đã bị Hiệu trưởng đương nhiệm "đốt" thành mây khói.

Theo GS.TS Nhà giáo Nhân dân, Lê Du Phong,  quyền Hiệu trưởng giai đoạn 2002-2003, "Kết luận của Thanh tra Bộ tuy chưa nêu hết sai phạm của Bí thư, Hiệu trưởng, song tôi nghĩ, nếu GS Nam còn một chút lòng tự trọng thì hãy làm đơn xin từ chức trong đợt kiểm điểm này”.

Chỉ ra những hạn chế của tập thể Đảng ủy, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu là Bí thư Nguyễn Văn Nam, GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đình Hương, nguyên Hiệu trưởng nhà trường giai đoạn 1999-2002 đánh giá: Quy hoạch, tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ có chỗ chưa đồng thuận theo nguyên tắc tập trung, dân chủ; chưa tạo được tính ổn định và phát triển về tổ chức để tạo thế và lực cho sự phát triển của đơn vị và nhà trường; chưa tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát quyết liệt về công tác xây dựng cơ bản. Đặc biệt là còn để khiếu kiện kéo dài làm ảnh hưởng đến uy tín nhà trường.

Còn theo GS.TS, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Thường, nguyên Hiệu trưởng trường giai đoạn 2003 - 2008, tập thể Thường vụ Đảng ủy ĐHKTQD yếu về đấu tranh phê bình, đã để cho đồng chí Bí thư, Hiệu trưởng mắc nhiều khuyết điểm, sai phạm lớn kéo dài từ năm 2009 đến nay. "Theo tôi, Thường vụ Đảng ủy cần họp kiểm điểm đồng chí Nguyễn Văn Nam và nên có kiến nghị với Bộ GD&ĐT có hình thức kỷ luật cụ thể".

Chỉ còn ít ngày nữa là đến lễ kỷ niệm 57 năm ngày thành lập Trường ĐHKT QD nhưng không khí buồn lo, bức xúc hiện rõ trên khuôn mặt nhiều cán bộ, giáo viên. Không buồn sao được khi một đơn vị có bề dày thành tích, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và nhiều danh hiệu cao quý khác đang được lãnh đạo bởi một hiệu trưởng yếu kém? Bởi vậy, dư luận đang mong đợi những quyết định nghiêm minh, kịp thời để xử lý sai phạm tại Trường ĐHKTQD của Bộ GD&ĐT.

Hà Trang