Việt Nam: 58% các loại thuốc nằm ngoài khả năng chi trả
Sức khỏe - Ngày đăng : 08:49, 23/01/2013
Hiệp định TPP có thể sẽ khiến các loại thuốc mới có giá rất đắt |
Nghiên cứu do Trường Đại học Y tế Cộng đồng thực hiện dưới sự tài trợ của Tổ chức Oxfam cho thấy Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể làm giảm mạnh việc tiếp cận các loại thuốc ở nước ta và nhất là nhiều loại thuốc mới sẽ có giá rất đắt đối với đại đa số người dân.
Các vòng đàm phán nằm trong khuôn khổ Hiệp định TPP giữa Việt Nam, Hoa Kỳ và 8 quốc gia khác ở châu Á và Mỹ Latinh, sẽ tiếp tục diễn ra tại Singapore trong 6 tuần nữa.
Theo yêu cầu của Hoa Kỳ, Hiệp định TPP sẽ đòi hỏi Việt Nam và các nước đối tác khác phải chấp nhận các quy tắc sở hữu trí tuệ mới và các quy tắc định giá dược phẩm, do đó có thể làm tăng đáng kể giá thuốc. Quy tắc sở hữu trí tuệ tạo ra độc quyền, nếu áp dụng cho dược phẩm sẽ ngăn chặn việc sản xuất các chủng loại thuốc thông thường có giá thấp hoặc sao chép chế lại.
Theo ông Rohit Malpani, cố vấn chính sách của Oxfam, nghiên cứu cho thấy giá thuốc có khuynh hướng tăng gấp đôi trong 5 năm tiếp theo, và các quy tắc này, nếu áp dụng tại Việt Nam có thể đẩy giá thuốc cao hơn vượt khỏi tầm tay của cả người dân và Chính phủ.
Chi phí thuốc để chữa bệnh hiện đang là chi phí đắt nhất trong chăm sóc sức khỏe. Quỹ BHYT quốc gia phải chi 60% ngân sách hàng năm cho các loại dược phẩm, và các loại thuốc quan trọng, ví dụ để điều trị ung thư hoặc viêm gan C. Trong thực tế, việc mua thuốc hầu hết được chi trả bởi chính người dân và có tới 58% các loại thuốc nằm ngoài khả năng chi trả.
Không chỉ giá thuốc ngày càng tăng, mà ngân sách cần thiết để chi trả cho các loại thuốc đang dần cạn kiệt. Một số nhà tài trợ chính cho Việt Nam, bao gồm cả Hoa Kỳ, đang kết thúc các chương trình viện trợ nước ngoài cho các loại thuốc, đặc biệt là thuốc điều trị HIV/AIDS. Tuy nhiên, ngay cả khi giá thuốc tăng gấp đôi trong vòng 5 năm tới, thu nhập trung bình tại Việt Nam khó có thể vươn tới mức 5000 USD/năm.
"Chúng ta không thể làm ngơ trước những yếu tố tiêu cực mà Hiệp định TPP có thể tác động lên y tế cộng đồng. Chúng tôi hy vọng những phát hiện này sẽ thuyết phục tất cả chính phủ các nước từ bỏ các quy tắc sở hữu trí tuệ gây tổn hại đến lợi ích y tế công cộng của Việt Nam và các nước khác. Không một quốc gia nào ký một hiệp định thương mại khiến hàng triệu người mất đi sự chăm sóc y tế mà họ cần có"- ông Malpani kết luận.