Tiêu tiền cũng phải… biết cách
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:14, 23/01/2013
Điều đó không chỉ gây nên những hệ lụy không nhỏ tới tình hình kinh tế đất nước mà còn tạo nên những áp lực về mặt xã hội khi hàng chục vạn lao động không có việc làm. Hàng loạt các biện pháp đã được đưa ra nhằm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ và giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Hàng loạt dự án được kiểm tra, rà soát để tập trung nguồn vốn cho các công trình trọng tâm, trọng điểm...
Tóm lại là bỏ ra một đồng bây giờ cũng phải có suy tính, cân nhắc thiệt hơn. Điều đó đòi hỏi những hoạch định về chính sách phát triển đối với từng ngành, từng lĩnh vực phải phù hợp và sát với thực tế. Ngay như biện pháp giải quyết tình trạng quá tải trong các bệnh viện hay "trắng" trường, lớp học ở một số địa bàn là rất cấp thiết, nhưng cũng phải có sự tính toán cẩn trọng để đồng vốn được đầu tư đúng chỗ và có thể phát huy hiệu quả…
Với cách nhìn như vậy, Đề án "Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa" giai đoạn 2012-2020 ít nhiều tạo nên sự băn khoăn trong dư luận xã hội. Theo như dự kiến, tổng số tiền để thực hiện đề án này là gần 11 nghìn tỷ đồng (cụ thể là 10.800 tỷ đồng) - một số tiền không hề nhỏ - trong đó ngân sách nhà nước chiếm 60,2%. Tuy nhiên vấn đề là ở chỗ, số tiền đó được tiêu vào việc gì, chi như thế nào? Được biết, mục tiêu của đề án đặt ra là hoàn thiện hệ thống các công trình văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, đặc biệt các khu vực vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế khó khăn; từng bước đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các công trình văn hóa có chất lượng cao, hiện đại, tầm cỡ khu vực. Đó là những vấn đề hết sức cần thiết.
Song cũng được biết, trong đề án này còn có kế hoạch xây mới 57 rạp chiếu phim, 2 trung tâm điện ảnh đa năng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với quy mô khoảng 1.500 ghế, mỗi cụm rạp có 8-10 phòng chiếu... Đây là những việc cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Nói vậy là bởi nhìn vào hiệu quả hoạt động trong thực tế những rạp hiện có tại Hà Nội, chắc chắn nếu sáng sủa thì nhiều nơi đã không phải chuyển đổi mục đích sử dụng như cho thuê địa điểm làm siêu thị, tổ chức đám cưới. Có nơi còn phải tìm hình thức hoạt động mới để tiếp cận được với khán giả, thậm chí là "nhờ vả" tư nhân… Nói vậy còn ở chỗ, trong quá khứ từng có những kế hoạch tốn nhiều tỷ đồng nhằm vực dậy ngành điện ảnh, rồi mua sắm trang thiết bị, xây nhà xưởng, trường quay… nhưng kết quả thu được không như mong muốn. Và nói vậy còn do một số việc trong thời gian vừa qua hiện đang được xem xét, điều chỉnh vì đầu tư thiếu hiệu quả như xây chợ đầu mối, trung tâm thương mại, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung… Ngay những quy định về các công trình như chợ, nhà văn hóa… trong khu vực nông thôn thuộc 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng đang được đề xuất sửa đổi cho phù hợp.
Không thể lãng phí đồng tiền ngân sách vào những kế hoạch, dự án thiếu khả thi hoặc không sử dụng hết công năng. Điều đó đã có những bài học trong thực tế. Nên chăng, trước khi tính toán đến chuyện xây mới và nâng cấp các công trình văn hóa, trong đó có các rạp, cụm rạp chiếu phim, rồi trung tâm điện ảnh ở các đô thị lớn… thì cần thiết phải có một nền điện ảnh đủ mạnh cùng một thị trường điện ảnh đúng nghĩa.