Góc nhìn cải cách: Thước đo “một cửa”
Đời sống - Ngày đăng : 07:32, 22/01/2013
Như vậy, từ cấp huyện, gần như cả nước đã áp dụng cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông". Chưa kể, 42/63 tỉnh, thành phố còn triển khai cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" hiện đại. 9 tỉnh, thành phố trong đó có 5 thành phố trực thuộc TƯ đã triển khai mô hình "chất lượng cao" ở tất cả đơn vị hành chính cấp huyện…
Tuy nhiên, như nhận xét của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Chúng ta mới đạt được kết quả bước đầu". Lý do là người dân còn phàn nàn, kêu ca trong nhiều lĩnh vực. Thực tế, không phải nơi nào cũng quan tâm thích đáng cho bộ phận "một cửa", "một cửa liên thông". Thay vì giao cho người am hiểu pháp luật, có nơi, người tiếp nhận hồ sơ không khác nhân viên văn thư.
Thậm chí, cán bộ tiếp nhận hồ sơ ở "một cửa" còn cố tình hành dân; dù thừa biết hồ sơ dân nộp thiếu nhiều thủ tục, nhưng không hướng dẫn cặn kẽ. Nói là "một cửa" nhưng không ít nơi có "nhiều khóa". Người dân đến "một cửa" để rồi lại phải lần mò tìm cán bộ giải quyết trực tiếp mới xong… Điều này khác hẳn ở những nơi "một cửa", "một cửa liên thông" được lòng dân. Những nơi như vậy, cán bộ là người được lựa chọn kỹ, được tạo điều kiện làm việc và dĩ nhiên được giám sát chặt chẽ. Chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp huyện theo dõi bộ phận này bằng camera và đường dây nóng kết nối trực tiếp; khi xảy ra vi phạm lập tức can thiệp, xử lý trách nhiệm.
"Một cửa", "một cửa liên thông" là mô hình được coi có tính chất đột phá trong công tác cải cách hành chính và đã được "phủ sóng" gần như khắp cả nước. Song xem xét hiệu quả của mô hình này thì không thể chỉ nhìn vào những con số có tính chất thống kê. Dư luận, đánh giá của người dân về hoạt động thực tế của "một cửa", "một cửa liên thông" mới chính là thước đo thực chất.