Việc làm cho sinh viên tốt nghiệp
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:03, 22/01/2013
Để từng bước hướng công tác đào tạo vào phục vụ các mục đích xã hội, vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT xây dựng Đề án bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Đây là một việc làm cần thiết nhưng để đề án đi vào cuộc sống cần có rất nhiều quyết tâm và phương sách cụ thể. Từ nay đến tháng 6 phải hoàn thành là thời gian rất khẩn trương nhưng có lẽ cũng không vì thế mà Bộ GD-ĐT không tranh thủ lấy ý kiến của các cơ quan sử dụng lao động, cả Nhà nước và tư nhân để đề án sát cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực.
Để cung cấp lao động được đào tạo nghề, những năm qua, ngành GD-ĐT đã có rất nhiều cố gắng. Tỷ lệ lao động đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, dạy nghề không ngừng tăng ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã nói lên điều này. Tuy nhiên, tỷ lệ này trong năm 2012 mới chiếm gần 34% trong số việc làm mới, chứng tỏ tình trạng lãng phí, không đúng ngành đúng nghề, chất lượng nghề nghiệp của lao động trẻ chưa cao. Vì sao có hiện tượng người chờ việc, việc chờ người nhưng vẫn không thể gặp nhau? Vì sao tuy thiếu lao động có tay nghề cao nhưng các nơi sử dụng lao động vẫn không tuyển dụng được? Vì sao tỷ lệ người tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề ra vẫn phải làm việc trái ngành, trái nghề hoặc thất nghiệp trong khi nhu cầu sử dụng rất lớn. Có thể thấy mấy nguyên nhân chính sau đây:
- Nguyên nhân nổi lên hàng đầu là các cơ sở đào tạo không có thông tin, không gắn việc đào tạo với nhu cầu của xã hội hoặc chạy theo lợi nhuận, phá vỡ cơ cấu hợp lý trong quá trình đào tạo. Nước ta có trên 450 trường đại học, trong đó khoảng 1/3 là các trường công lập, còn lại là các thành phần khác. Các trường này tìm mọi cách để có các ngành đào tạo ăn khách như tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, báo chí, tiếng Anh… rồi lại tìm mọi cách để có đủ sinh viên. Do không có quy hoạch tổng thể, không "nhường nhịn" nhau, chỉ sau hơn một thập kỷ, số sinh viên tốt nghiệp các khoa này bị khủng hoảng thừa, cung vượt quá cầu trong khi nhiều ngành, khoa khác như lâm nghiệp, chăn nuôi, cơ khí… rất thiếu lao động có tay nghề. Các sinh viên này đành phải theo học các văn bằng khác, làm trái ngành trái nghề với cam kết đồng lương thấp hơn để có việc làm.
- Thứ đến là chất lượng đào tạo còn thấp, nội dung đào tạo lạc hậu, xa với thực tế, trình độ những người được đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Theo dõi qua thực tế làm việc ở nhiều nơi sử dụng lao động thấy 70% trường hợp lao động mới tuyển dụng phải đào tạo lại. 30% có thể làm việc được ngay nhưng phải kèm cặp, bồi dưỡng thêm. Bên cạnh đó, tình trạng gian lận và các việc khuất tất khác trong thi cử, giấy chứng nhận, bằng cấp cũng khiến cơ sở tuyển dụng nghi ngại.
- Do các cơ sở tuyển dụng không thông tin, không hợp tác trong quá trình đào tạo, một số không nhỏ còn lợi dụng những khó khăn hiện nay để dìm giá lao động, tạo ra đội quân thất nghiệp thường trực để gây sức ép, bóc lột lao động nhiều hơn. Hiện nay, tỷ lệ các khóa, các lớp đào tạo bằng tiền đầu tư của cả doanh nghiệp, cơ quan tuyển dụng và nhà trường còn rất hiếm, không có sự ràng buộc trách nhiệm nào giữa nơi đào tạo và nơi sử dụng.
Trong nền kinh tế thị trường, lao động cũng là hàng hóa, nơi nào điều kiện làm việc tốt, trả công cao, thuận lợi trong sinh hoạt sẽ thu hút được nhiều lao động, trong khi trình độ phát triển của từng cơ sở sản xuất, từng địa phương còn chênh lệch. Đó là những khó khăn khách quan cần được tháo gỡ bằng một chính sách tổng thể.
Trong lúc tạo việc làm mới, giảm thất nghiệp đang là một khó khăn rất lớn, Đề án Bộ GD-ĐT được giao rất có ý nghĩa, nhưng nó chỉ có ý nghĩa khi đi vào cuộc sống, tham gia giải quyết những trở ngại trong việc sắp xếp việc làm cho lao động trẻ hiện nay.