Ấm, tình người giữa đêm đông lạnh giá!
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:51, 22/01/2013
Để đêm đông ấm lại
22h đêm. Sương bắt đầu giăng mắc trên khắp phố phường Hà Nội. Hơi sương buốt giá khiến cái lạnh về đêm càng thêm tê tái. Đường phố Hà Nội ban ngày vốn chật chội, đông đúc là thế, nay rộng hẳn trong sự vắng vẻ đến lạnh lẽo của đêm đông. Trái ngược hẳn với thế giới bên ngoài, trong không gian nhỏ nhưng ấm cúng chỉ rộng chừng 40m2 của quán cà phê trên phố Trần Hữu Tước, các thành viên của nhóm Ấm đang hối hả cho buổi "ra quân" làm từ thiện.
Phân loại quần áo trước khi lên đường làm từ thiện. |
Đêm nay, cũng giống như bao đêm thứ bảy khác, các thành viên của Ấm và các nhà hảo tâm lại tề tựu tại quán cà phê vốn là "đại bản doanh" của nhóm để thực hiện một nghĩa cử đẹp: Mang chăn màn, quần áo, đồ ăn đến với người vô gia cư, lang thang cơ nhỡ... Ngoài những thành viên tích cực, hôm nay nhóm đón nhận sự tham gia của những nhân vật đặc biệt. Đó là ba mẹ con chị Lê Hoàng Thanh (Ngã Tư Sở) không quản ngại đêm đông mưa gió để cùng nhóm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Là bà Trương Thị Luận (79 phố Định Công), dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn nhiệt tình cùng con gái tham gia hoạt động từ thiện. Hay như anh Trịnh Văn Bình - Giám đốc Công ty nước mắm Long Vân - khi nghe tin về nhóm đã không quản ngại đêm đông, trực tiếp chở hàng tải quần áo ấm đến "trụ sở" của Ấm với cam kết sẽ ủng hộ nhiệt tình những hoạt động từ thiện do nhóm tổ chức trong tương lai... Đúng 23h15, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng. Quần áo, đồ ăn được phân loại và đóng gói cẩn thận. Các vật dụng cần thiết cũng được chuẩn bị kỹ càng để sẵn sàng giúp đỡ người vô gia cư khi cần thiết. 15 phút trước khi xuất phát, Trưởng nhóm Hoàng Thảo họp cả nhóm để dặn dò lần cuối. Hôm nay, do lượng quần áo quyên góp được và số người tham gia tình nguyện nhiều hơn mọi khi nên Hoàng Thảo quyết định chia Ấm thành nhiều nhóm. Một nhóm tiến thẳng về hướng quận Cầu Giấy, địa điểm mới nơi phát hiện nhiều người vô gia cư. Số còn lại chia nhau về các điểm người vô gia cư thường xuyên tụ tập như quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa... Điểm đầu tiên của nhóm là ngõ 62 phố Trần Quý Cáp. Trong gian phòng xập xệ, ẩm thấp chỉ rộng chừng 16m2, 8 phụ nữ đang co ro trên gác xép trong chiếc chăn mỏng dính. Run run nhận từ tay các thành viên của nhóm những chiếc áo ấm còn khá mới, mắt ai nấy chợt đỏ hoe. Bà Lê Thị Trắc (đội 1, xã Hoằng Trạch, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vuốt ve mãi chiếc áo khoác vừa nhận, rưng rưng: Bà và các cô ở đây cùng cảnh xa nhà, cuộc sống khó khăn, cơm chỉ đủ no, mặc chưa đủ ấm. Có thêm tấm chăn, manh áo thế này, bà không còn sợ rét nữa.
Cùng lúc ấy, một tốp từ thiện khác do Trưởng nhóm Hoàng Thảo dẫn đầu đã nhanh chóng tiếp cận Vườn hoa Lê Nin, nơi có nhiều người vô gia cư trú ngụ. Trong gian nhà bát giác nằm ở góc vườn hoa, một người đàn ông và một phụ nữ nằm co ro dưới tấm bạt mỏng. Một thành viên nữ của nhóm nhẹ nhàng đặt túi bánh mì và bọc quần áo ấm xuống bên cạnh họ như sợ một tiếng động nhỏ sẽ phá hỏng giấc ngủ nhọc nhằn... Chợt người đàn ông tỉnh giấc, ngồi dậy vẻ khó nhọc, nói thì thầm gì đó với nữ tình nguyện viên. "Hai vợ chồng chú ấy kiếm sống bằng nghề mài dao, đêm về tá túc ở đây. Hôm nay chú ấy bị ngã đau nên muốn xin một lọ dầu..." - nữ tình nguyện viên cho biết. Ngay lập tức, cả nhóm cùng xúm lại giúp người đàn ông. Cách đó không xa, một túi đồ ăn cũng được lặng lẽ đặt cạnh người phụ nữ đang ngủ ngon lành trên ghế đá... 4h sáng, những bọc quần áo, chăn ấm, đồ ăn đã vơi dần. Mệt nhoài sau một đêm thức trắng, nhưng niềm vui và những nụ cười vẫn lấp lánh trên khuôn mặt mỗi tình nguyện viên...
Chân dung "thủ lĩnh" của Ấm
Đó là một cô gái vóc dáng nhỏ nhắn, đôi mắt một mí thông minh, tinh nghịch và nụ cười như tỏa nắng với chiếc răng khểnh duyên dáng. Nguyễn Hoàng Thảo sinh năm 1985, tốt nghiệp loại giỏi Trường Đại học Hà Nội, khoa tiếng Nhật, được giữ lại làm giảng viên. Nhưng tuổi trẻ ham bay nhảy, ưa học hỏi, khám phá, Thảo đã sang Tokyo (Nhật Bản) làm phiên dịch cho một doanh nghiệp. Một năm sau cô về nước, mở cửa hàng làm bánh Nhật rồi lại "phiêu" sang Ôxtrâylia tham gia khóa học ngắn hạn về thời trang. Hiện giờ, Thảo là cô chủ nhỏ của ba cửa hàng, quán cà phê dành cho lứa tuổi teen và kiêm vai trò "thủ lĩnh" của Ấm.
Gặp Thảo trong một đêm thứ bảy cuối năm rét mướt khi cô cùng các thành viên của Ấm đang tất bật chuẩn bị cho chuyến đi từ thiện mới thấy được sự nhiệt huyết, nhanh nhẹn, linh hoạt của cô gái nhỏ nhắn này. Câu chuyện giữa chúng tôi liên tục bị ngắt quãng vì "hàng núi" công việc cần đến Thảo như phân công các bạn hoạt động theo nhóm, nhận quà từ các nhà hảo tâm, liên hệ với thành viên các nhóm từ thiện khác, chỉ đường cho những bạn mới lần đầu tiên đến tham gia cùng Ấm…. Quán cà phê xinh xắn của Thảo tại số 23 phố Trần Hữu Tước, quận Đống Đa - "đại bản doanh" của Ấm tối nay cũng chật ních người. Không phải khách đến uống cà phê mà chủ yếu là các bạn trẻ đến lựa chọn sắp xếp quần áo, thức ăn, chăn bông để chuẩn bị lên đường chia sẻ chút hơi ấm với những người vô gia cư.
Lý giải về tên gọi của Ấm, Thảo chỉ nói giản dị: "Ngay khi còn là sinh viên, em đã nhiều lần cùng bạn bè đến các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già neo đơn để thăm hỏi, tặng quà, chia sẻ chút ít với thiếu thốn, khó khăn của họ. Vào mùa Nôen năm ngoái, em ngồi trong nhà mà vẫn thấy lạnh thấu xương, bất giác nghĩ đến những người vô gia cư đêm đông nằm ở gầm cầu, mái hiên, bến xe, phải chịu cảnh "màn trời, chiếu đất". Những đêm đông rét mướt thế này, có lẽ cái họ cần nhất chỉ là một tấm chăn hay manh áo, có khi là nắm xôi nóng cũng giúp họ ấm lòng hơn. Và thế là Ấm ra đời".
Những ngày đầu tiên chỉ có mình và ba người bạn, Thảo cùng các bạn tự đóng góp quần áo rét, tiền để mua thức ăn rồi tìm đến các khu chợ, gầm cầu tặng cho người vô gia cư. Chuyến đi đầu tiên trở về, ai cũng khóc vì lần đầu tận mắt chứng kiến nỗi cơ cực của những mảnh đời bất hạnh trong đêm đông, phần vì nghĩ sức mình nhỏ bé, làm sao giúp hết? Mà công việc này không chỉ làm một vài lần, đến một vài người, còn biết bao điều Thảo và các bạn muốn làm cho những người vô gia cư. Thảo bắt đầu kêu gọi bạn bè trên Facebook ủng hộ quần áo ấm, tiền hoặc thức ăn để làm từ thiện. Cách làm từ thiện trực tiếp, hiệu quả của Thảo và những bức ảnh chụp cuộc sống của những người già, trẻ nhỏ vô gia cư đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng mạng. Hiện nay, trên Facebook đã có trên 2.000 nhà hảo tâm ủng hộ Ấm, đồng thời thường xuyên có mặt khoảng 10 thành viên chủ chốt, đêm thứ bảy nào cũng đến "hội sở", lựa chọn quần áo, mua thức ăn rồi cùng nhau lên đường tìm đến với những người đang phải chống chọi với giá rét đêm đông trên ghế đá, vỉa hè, mái hiên, gầm cầu….