Nhập khẩu văn hóa: Được và mất
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:09, 21/01/2013
Từ 5 hãng phim quốc doanh, trong những năm 90 của thế kỷ trước đến nay cả nước đã có hơn 40 hãng phim do tư nhân và các tổ chức xã hội quản lý, nhiều cụm rạp hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế đã được xây dựng, số người đến rạp xem phim ngày càng tăng, nhất là vào dịp lễ tết. Năm 2012 số khán giả đã tăng gấp 6 lần so với năm 2003. Chủ trương xã hội hóa trong sản xuất phim cũng làm số lượng phim truyện nhựa sản xuất trong nước tăng nhanh. Nếu năm 2009, chỉ có 4 phim chiếu tết thì Tết năm 2013 dự kiến có khoảng 10 phim. Hết năm 2012, thị phần phim Việt Nam chiếu rạp chỉ chiếm hơn 20%.
Sách bày trên kệ rất nhiều song phải mỏi mắt mới tìm ra được tác phẩm văn học Việt Nam mới . Do vậy, việc nhập khẩu sách cũng là điều dễ hiểu. Ảnh: Nhật Nam |
Tuy nhiên trong hội thảo về phim truyện Việt Nam, một nhà hoạt động điện ảnh đã đưa ra con số: chỉ có 0,14 phim cho 1 triệu dân Việt Nam, trong khi Malaysia là 1 triệu dân/1 phim. Hàn Quốc 1 triệu dân/2 phim. Tỷ lệ đó cho thấy số lượng phim truyện sản xuất trong nước còn quá thấp. Một đất nước gần 90 triệu dân mà mỗi năm chỉ sản xuất được trên 10 phim truyện là có vấn đề. Một nhà hoạt động điện ảnh lâu năm cho rằng, nguyên nhân số đầu phim quá ít là do điện ảnh chỉ tập trung tại 2 thành phố lớn, chưa khai thác được thị trường nông thôn rộng lớn với hơn 70% số dân. Trong khi đó chưa có hạ tầng cơ sở thỏa mãn nhu cầu làm phim và sáng tạo của các nghệ sỹ điện ảnh, kinh phí làm phim tăng nhanh trong khi kinh phí đầu tư của Nhà nước cho phim truyện nhựa lại tăng nhỏ giọt. Các hãng phim tư nhân đầu tư ngày càng mạnh dạn hơn nhưng vẫn chỉ tập trung làm phim tết. Đó là nguyên nhân làm cho lượng phim nhập khẩu tăng mạnh cho dù Luật Điện ảnh sửa đổi đã đưa ra những điều kiện khắt khe hơn. Năm 2009, số phim nhập về là 106 phim, năm 2010 tăng tới 130 phim. Theo thống kê chỉ riêng trong tháng 8-2012 số phim do Công ty Megastar nhập về đã chiếm tới 80% số phim nhập khẩu. Phim nhập chủ yếu là phim Mỹ ở đủ thể loại: hành động, tâm lý, viễn tưởng... với nhiều phim bom tấn và có phim phát hành cùng ngày với thị trường Bắc Mỹ hay Nhật Bản. Khi số lượng phim sản xuất trong nước quá ít và nhu cầu khán giả lại tăng, vì thế các nhà nhập khẩu có vốn nước ngoài hay vốn trong nước đã không bỏ qua cơ hội này.
Không chỉ nhập khẩu phim, nhập sách cũng khá nhộn nhịp. Nếu đi qua các sạp sách, ai cũng dễ dàng nhận thấy sách bày đầy trên các kệ song tìm mỏi mắt may ra mới thấy tác phẩm văn học mới. Nguyên nhân thì có nhiều trong đó có việc nhuận bút quá thấp, một cuốn tiểu thuyết vài trăm trang nhà xuất bản in 1.000 cuốn tác giả chỉ nhận được trên dưới chục triệu. Vì thế ngày càng ít người theo nghiệp văn chương, vừa vất vả, ít tiền và không khéo lại còn mang vạ vào thân. Sách trong nước ít nên phải nhập nhiều là điều quá dễ hiểu. Trước khi Việt Nam ký Công ước Berne về bản quyền tác giả, số lượng tác phẩm văn học dịch lớn hơn rất nhiều vì các nhà xuất bản không bị bất cứ ràng buộc và hạn chế nào. Sau khi tham gia công ước (ngày 26-10-2004), các đơn vị xuất bản muốn in sách nước ngoài phải mua bản quyền sách. Không mua làm ẩu, bán cả gia sản cũng không đủ tiền phạt. Hiện tại sách dịch chiếm khoảng 50% số sách xuất bản và 2/3 công việc của các đơn vị làm sách tư nhân và ít nhất trên 1/2 đầu sách xuất bản của các nhà xuất bản lớn đều là tác phẩm văn học dịch, phần còn lại là sách trong nước tái bản, các tác phẩm văn học kinh điển của thế giới đã hết thời hạn bảo hộ. Có những công ty văn hóa tư nhân đã thiết lập quan hệ hợp tác với 60 nhà xuất bản trên thế giới. Tính đến thời điểm này có thể khẳng định các công ty văn hóa tư nhân, Nhà nước, các nhà xuất bản quốc doanh muốn tồn tại thì không thể không mua bản quyền sách nước ngoài.
Vài năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có khoảng 400 album nhạc do các ca sỹ trong nước phát hành tại thị trường Việt Nam, có ca sỹ ra tới 5 album/năm. Việt Nam cũng là quốc gia mà rất nhiều ca sỹ được phong "sao", tuy nhiên họ chỉ là "sao" xóm, "sao" làng. Không kể các chương trình mang tính giao lưu và trao đổi văn hóa do Nhà nước tổ chức thì ca sỹ hay các nhóm nhạc Việt Nam xuất ngoại chỉ biểu diễn cho Việt kiều, rất hiếm chương trình biểu diễn cho khán giả nước ngoài. Thế nhưng, các nhóm nhạc nước ngoài vào Việt Nam khá nhiều nếu không muốn nói là nhiều lại biểu diễn cho chính khán giả Việt Nam. Năm 2011, có nhiều chương trình thương mại với giá vé cao, ví dụ như: Backstreet Boys, Bob Dyland, nhóm nhạc 2AM (của Hàn Quốc)... Năm 2012 còn nhiều hơn với khoảng gần 20 chương trình trong đó có nhóm nhạc nổi tiếng xứ sở Kim Chi khiến lớp trẻ hâm mộ phát điên và có cô bé đi đón thần tượng đã ngất vì hét to trong khi bụng đang đói. Với các trò chơi truyền hình thu hút khán giả hàng đêm thì tất cả nhập khẩu 100%. Ngoài các sản phẩm được phép còn vô vàn các sản phẩm văn hóa nhập lậu thông qua các con đường khác nhau, từ đĩa nhạc, phim đến trò chơi...
Việc các tác phẩm văn học dịch được giới thiệu thường xuyên và đầy đủ sẽ cung cấp cho nhà văn, nhà phê bình văn học, các độc giả trí thức... trong nước cái nhìn khái quát về từng dòng văn học cùng những đặc điểm rõ nét của chúng. Không có gì sát thực hơn việc tìm hiểu từng dòng văn học qua chính những tác phẩm thuộc dòng này. Ví dụ qua các tác phẩm dịch, độc giả hiểu một cách cặn kẽ và cụ thể về dòng văn học Ling Lei (Trung Quốc), Fantasy (Mỹ), Chicklit (Mỹ, Anh)... Phần lớn các tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng đều được dịch và phát hành nhanh chóng sau khi bản gốc ra đời không lâu, thậm chí còn phát hành song song như các sêri: "Harry Potter" (tác giả J.K. Rowling), "Percy Jackson" (tác giả Rick Riordan), sêri truyện về ma cà rồng: "Chạng Vạng, Trăng Non, Nhật Thực, Hừng Đông" (tác giả Mỹ Stephenie Meyer)... đã tạo cơ hội cho độc giả trong nước được tiếp cận nhanh với tác phẩm. Ngoài ra cũng không thể phủ nhận, chính các tác phẩm văn học dịch nước ngoài giúp các tác giả Việt Nam, đặc biệt là tác giả trẻ sẽ có được một nguồn tham khảo vô tận về cách kết cấu tác phẩm, phát triển đề tài, từ đó họ có thể tìm một con đường đi riêng.
Trong năm năm trở lại đây, tỷ lệ phim nhập tăng hàng năm nhanh, nhiều phim mới sau khi phát hành ở các thị trường quan trọng như: Bắc Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản đã có mặt tại các rạp chiếu ở Việt Nam. Nhiều phim "bom tấn" còn được phát hành song song với các thị trường lớn. Cái lợi ở đây là khán giả không phải chờ đợi lâu còn các đạo diễn, nhà biên kịch, quay phim... biết xu hướng điện ảnh hiện tại trên thế giới, cung cách làm phim, công nghệ... Với âm nhạc, qua những chuyến lưu diễn của nghệ sỹ nước ngoài tại Việt Nam sẽ thỏa mãn cho những người hâm mộ họ. Bên cạnh đó giới tổ chức sự kiện âm nhạc cũng có thêm kinh nghiệm tổ chức, làm marketing...
Chúng ta mở cửa và hội nhập nên văn hóa thế giới vào Việt Nam là điều dễ hiểu. Cái lợi từ văn hóa nhập khẩu là rõ nét nhưng cái hại thì không phải ai cũng nhận ra. Việc nhập khẩu tràn lan phim truyện, phim truyền hình khiến sản xuất phim trong nước khó có thể cạnh tranh là một thực tế. Dù cạnh tranh là động lực cho phát triển nhưng xuất phát điểm của ngành điện ảnh Việt Nam quá thấp, chính vì thế rất nhiều đạo diễn, diễn viên, quay phim... không có cơ hội được làm việc.
Đã từng có rất nhiều kiến nghị trong các hội thảo về văn hóa: Nhà nước nên đầu tư có chọn lọc cho các ngành mà mang lại công ăn việc làm cho nhiều người ví dụ như điện ảnh. Đồng thời cần phải xem xét lại các luật trong lĩnh vực văn hóa để tạo cơ hội cho các đơn vị trong nước dần đi lên. Một nền văn hóa bị thống trị bởi văn hóa nước ngoài thì đó là nguy cơ lớn không khác gì bị ngoại bang xâm lược.