Quy định điều kiện kinh doanh thức ăn đường phố: Đừng “phát” mà không “động”

Đời sống - Ngày đăng : 06:22, 21/01/2013

(HNM) - Từ hôm qua, 20-1, Thông tư 30/2012 của Bộ Y tế quy định về điều kiện đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố có hiệu lực...


Quy định không mới

Theo quy định trong Thông tư 30, tất cả người kinh doanh thức ăn đường phố phải được khám sức khỏe, được tập huấn và có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm. Nguyên liệu để chế biến thức ăn phải có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc. Thực phẩm chín phải có dụng cụ chứa đựng, ngăn ruồi muỗi, bụi bẩn và cao hơn mặt đất tối thiểu 60cm. Nước dùng để nấu nướng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Ngay cả hàng rong, bán thức ăn ở bến xe, bến tàu… cũng phải có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, có trang phục sạch sẽ gọn gàng và sử dụng găng tay dùng một lần khi bán hàng. Kinh doanh trên phương tiện bán rong cũng phải thiết kế khoang chứa đựng, bảo quản thức ăn, nước để chế biến cũng phải phù hợp quy chuẩn quốc gia.

Kinh doanh thức ăn đường phố phải bảo đảm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Như Ý


Trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, việc đặt ra các quy định này là cần thiết, mục tiêu để cơ sở bán hàng ăn uống đường phố đáp ứng tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm. "Không thể để tình trạng một xô nước đục ngầu rửa hàng trăm cái bát" - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định. Nhưng với thực trạng kinh doanh thức ăn đường phố hiện nay, việc áp dụng thực hiện các quy chuẩn này thật khó như… lên giời. Đây là nghề của nhà nghèo, bất kỳ ai không có việc làm đều có thể nấu một chõ xôi, bê một nồi bánh bao hay bày một cái bếp lò, một cái nồi và vài cái bát để bán quà kiếm sống. Họ không đủ điều kiện để thực hiện mọi quy định của cơ quan quản lý.

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, về cơ bản, quy định mới trong Thông tư 30 không khác nhiều so với quy định hiện hành. Ông Cường cho biết, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đang tham mưu để trình UBND thành phố ký ban hành hướng dẫn theo hướng phân cấp quyền thẩm định và cấp chứng nhận đủ điều kiện cho cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố về quận, huyện, thị xã. Tùy từng địa phương sẽ quyết định có phân cấp tiếp về xã, phường, thị trấn hay không. "Nên quy định rõ để dễ thực hiện"- ông Nguyễn Việt Cường nêu quan điểm.

Vẫn khó khả thi

Thực trạng vệ sinh thức ăn đường phố khiến người dân bức xúc. Thiếu nước sạch, không gian chật chội, tiết kiệm người làm… các quán hàng ăn vô tư rửa bát trong nhà vệ sinh, dùng tay không bốc bánh phở, thịt, rau, hay một xô nước rửa cả trăm cái bát. Nhưng nâng cao chất lượng thực phẩm đường phố không phải việc nói là làm được, vì cả nước có đến hàng trăm nghìn hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Mấy năm nay, việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế cho nhóm nhà hàng, cơ sở kinh doanh thực phẩm được triển khai vô cùng chậm chạp và cuối cùng thất bại. Một trong những lý do quan trọng là cơ quan chức năng không đủ nhân lực và thời gian triển khai quy định của chính mình.

Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn rất lớn khi phần lớn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố chưa được kiểm soát. Ảnh: Trung Kiên


Thực tế đó khiến người ta lo ngại về tính khả thi của Thông tư 30. Với số lượng lớn cơ sở đang sản xuất kinh doanh và tính cơ động về địa điểm (bán hàng rong, bán hàng trên hè phố không ổn định), nếu không thật sự quyết tâm, Thông tư 30 dễ dàng rơi vào lãng quên như hiện tượng đã từng xảy ra với quy định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trước đây. Tuy nhiên, là đại diện cơ quan trực tiếp kiểm tra việc thực hiện quy định này, ông Nguyễn Việt Cường cho rằng hoàn toàn có thể thực hiện được nhiệm vụ thẩm định và cấp giấy chứng nhận, do số lượng cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tuy lớn, nhưng trong địa bàn một quận, huyện, thị xã hoặc một xã, phường, thị trấn thì cơ quan quản lý hoàn toàn có khả năng kiểm soát và nắm tình hình.

Tuần qua, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long đã có công văn nhắc nhở các địa phương, thông báo đẩy nhanh tiến độ thông tin, tuyên truyền cho các chủ kinh doanh thức ăn đường phố, nhằm thực hiện mục tiêu kinh doanh bền vững, đồng thời phân cấp việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Tuy nhiên, trên thực tế, đến ngày thông tư có hiệu lực, đối tượng chịu sự chi phối của văn bản này là các quán hàng rong vẫn chưa có thông tin. Chỉ riêng khâu tuyên truyền, phổ biến cũng đã thấy không dễ triển khai các quy định chỉ bằng chỉ thị trên giấy.

Đây không phải lần đầu ngành y tế "tuyên chiến" với thức ăn đường phố. Điều người dân mong mỏi là những quy định này đi vào được cuộc sống, tránh tình trạng chỉ "phát" mà không "động" như vẫn từng xảy ra.

Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) vừa có công văn về việc tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Theo đó, các chi cục thú y tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với sản phẩm động vật; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về vệ sinh thú y, ATVSTP đối với các cơ sở giết mổ, sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật về vận chuyển sản phẩm động vật trái phép; kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật không rõ nguồn gốc... Các cơ quan xử lý nghiêm các vi phạm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngọc Quỳnh

Hải Hà