Văn chương phải mang dấu ấn người viết
Văn hóa - Ngày đăng : 08:16, 20/01/2013
- Sáu năm, kể từ tác phẩm gần đây nhất "Một mình qua đường" năm 2006, đến nay bà mới cho ra mắt "Nhiệt đới gió mùa". Vì sao lại cần đến 6 năm thưa bà?
- Tôi có in tập truyện "Màu xanh man trá" ở NXB Phụ nữ. Trước hoặc sau gì đó tôi không nhớ rõ nhưng tập này tái bản sau khi in "Một mình qua đường". Thường các tập truyện của tôi xuất bản khá xa nhau do tôi hơi cầu toàn trong việc chọn in một tập truyện ngắn. Tôi viết và in ở các báo nhiều, nhưng khi chọn vào tập tôi phải cân nhắc để các truyện bên cạnh nhau thế nào. Và rồi chất lượng không được quá nhạt nhòa. Tôi từng làm xuất bản, không thích các tác giả truyện ngắn viết cái gì cũng cho vào tập sách nhiều khi không cả sửa sang. Nó làm loãng ấn tượng, làm mất thời gian người đọc. Tôi nghĩ mình cũng không tránh được "sự ẩu" nên cố gắng khó tính một chút.
- Tập truyện ngắn vẻ như chỉ có "Nhiệt đới gió mùa" là tác phẩm còn nóng bỏng không khí chiến tranh và những vấn đề hậu chiến, còn lại đều là những vấn đề bộn bề của đời sống xã hội gần đây. Đây là chủ định sắp xếp của bà?
- Tất cả là các vấn đề của xã hội hậu chiến. Một đất nước chiến tranh liên miên con người bao giờ cũng như đi trên chuyến tàu xình xịch - tôi đã viết trong truyện "Ga xép" - vậy khi tạm dừng chuyến tàu là hậu chiến. Người ta mang trong mình rất nhiều ký ức, kỷ niệm, thói quen nhân cách cao thượng và cả thói hư tật xấu của những ngày chiến tranh. Mà do tranh chấp sống chết người ta có nhiều thói hư tật xấu hơn. Ở xứ sở thanh bình con người không như vậy. Khi viết về các truyện ngày hôm nay nhà văn vừa lo âu vừa phấn khích. Tâm trạng của tôi thường như thế.
- Tác phẩm viết về đề tài chiến tranh, hậu chiến của Lê Minh Khuê đã có "thương hiệu" từ những năm 1970-1980, đến nay đọc "Nhiệt đới gió mùa" của bà vẫn thấy vô cùng hấp dẫn. Bà có dự định sẽ khai thác tiếp mảng đề tài này và tham dự cuộc phát động sáng tác lớn về hai cuộc kháng chiến (giai đoạn 1930-1975) do Bộ VH-TT&DL phát động?
- Tôi ít viết về chiến tranh theo cách mô tả trực tiếp các trận đánh, các chiến dịch. Và văn chương ở đề tài này rất khó viết hay. "Nhiệt đới gió mùa" không hẳn về chiến tranh. Nó là khoảnh khắc lịch sử trong đó có nhiều nhóm nhân vật: gia đình ông Cơ - Nhà tập thể XHCN - Nhà tù - Người tù già không có án - Đám người ở phủ trong cách mạng tháng Tám - Những người thi hành án - Những kẻ biển thủ công quỹ… Nó biểu hiện thành nhiều mặt của một lát cắt nhỏ trong chiến tranh. Các gia đình lớn của Việt Nam rất nhiều chuyện nhưng khai thác nó thế nào để không bị nhàm chán lại là chuyện khác. Nó đòi hỏi tài năng, sức khỏe, sự phấn khích của người sáng tạo. Hiện tôi chưa có dự định gì, làm được gì thì biết thế thôi.
- Trong văn bà thấy rõ sự chăm chút kỹ càng của ngôn từ, giọng điệu. Nghĩa là nhân vật nào nói thứ ngôn ngữ của nhân vật đấy... Bà có thể chia sẻ với bạn đọc công việc bếp núc này của nhà văn?
- Tôi quan niệm văn chương phải mang dấu ấn của người viết. Mỗi nhà văn phải có ngôn ngữ giọng điệu riêng không lẫn với người nào càng tốt. Mỗi khi viết tôi chú trọng chi tiết, cách nói năng, cách ứng xử của nhân vật, không để nó quá là "của mình" - nghĩa là nhà văn và nhân vật phải có khoảng cách. Nhân vật sống đời sống của nó, nhà văn đứng ở xa quan sát. Tạo được cách viết này cũng là tạo được một phong cách. Dĩ nhiên cũng rất tương đối thôi. Có truyện thành công có truyện cũng làng nhàng. Thường viết xong in rồi tôi rất ngại đọc lại.
- Có những truyện như "Nhiệt đới gió mùa", bà sử dụng nhiều câu văn dài, rất ít dùng dấu phẩy. Đây là một chủ ý của Lê Minh Khuê?
- Truyện "Nhiệt đới gió mùa" có không khí ngột ngạt căng thẳng. Tôi cố ý viết trúc trắc, thậm chí lủng củng, những câu dài, những câu ngắn, những đối thoại đi liền trong một câu và ba bốn sự kiện trong một câu. Khó đọc, khó theo dõi nhưng nó, ngôn ngữ của truyện ấy, mang vác cả sự nhọc nhằn… Tôi cố ý viết như vậy. Và những truyện khác lại có cách viết khác. "Nghĩ ngợi quẩn quanh" - "Ráp Việt" - "Xe Camry ba chấm"… mỗi truyện tôi có một giọng… Dù không có gì hoàn hảo nhưng cố gắng để đỡ nhàm chán.
- Dễ thấy giọng điệu trong nhiều tác phẩm vô cùng sắc sảo, cốt truyện phong phú... nhưng hầu hết các kết truyện đều có hậu, mang lại cảm giác ấm áp, hy vọng cho người đọc. Bà có cho rằng đó là "tính nữ" trong văn học mà người ta đề cập nhiều hiện nay, hay là một phong cách riêng của người viết?
- Theo tôi là một phong cách, là con người của mình. Lo âu, sợ hãi, phấp phỏng trong đời sống, không muốn cái gì quá tàn nhẫn đến với con người. Dù có lạnh lùng, khách quan nhưng những gì đến với nhân vật cũng là của bản thân mình. Không hẳn là "tính nữ" - cũng không có tính nữ trong văn chương - tôi quan niệm như vậy. Con người, nói chung trong thế giới nhiều rủi ro như hôm nay - nên có trắc ẩn hơn. Nhà văn và văn chương của anh ta cũng chả làm gì được nhiều, nhưng nghĩ thế nào thì cứ viết như thế!
- Xin chân thành cảm ơn bà!