Phát triển sinh vật cảnh ở Đông Ngạc: Hơn cả làm giàu

Xã hội - Ngày đăng : 08:09, 20/01/2013

(HNM) - Những năm gần đây, với sự đô thị hóa nhanh, xã Đông Ngạc (huyện Từ Liêm) đã định hướng cho người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trong đó phát triển sinh vật cảnh (SVC) là một trong những thế mạnh của địa phương.

Hội thi Tiếng hót chim chào mào tại Đình Vẽ - Đông Ngạc.


Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Đông Ngạc cho biết, xã đã kiện toàn Hội Sinh vật cảnh và mở rộng các loại hình SVC phù hợp với thú chơi của hội viên và thị hiếu thị trường, qua đó phát triển kinh tế gia đình. Hiện Hội Sinh vật cảnh của xã có 4 chi hội và các tổ ngành nghề như đào, quất; vườn cảnh, cây cảnh nghệ thuật, đá cảnh, cây công trình; chim, cá cảnh; phong lan, địa lan. Ngoài ra còn có các CLB chim cảnh, CLB gà chọi... Từ phát triển SVC đã mang lại thu nhập kinh tế cao, riêng cây đào, cây quất hàng năm cho thu nhập trên 46 tỷ đồng và các loại SVC khác là trên 40 tỷ đồng.

Ông Cao Xuân Phổ, thôn Nhật Tảo là một trong những người đầu tiên đưa cây quất về trồng ở Nhật Tảo từ năm 1968. Lúc đầu ông chỉ trồng quất cảnh trong nhà, sau đó mới đưa loại cây này ra ruộng. Với 2 vườn quất cảnh (600m2), mỗi năm gia đình ông Phổ cũng thu hoạch vài chục triệu đồng. Do trồng quất cho thu nhập cao hơn cấy lúa rất nhiều nên ở thôn Nhật Tảo nói riêng và xã Đông Ngạc nói chung, ngày càng có nhiều người chuyển sang trồng quất cảnh. Nếu như năm 2005, xã mới chỉ có 15ha diện tích trồng đào, quất và hoa thì đến nay, diện tích này đã là hơn 30ha. Đáng nói là sản phẩm cây quất cảnh, đào, hoa lan của xã Đông Ngạc được khách hàng trong và ngoài thành phố rất ưa chuộng.

Bên cạnh cây cảnh, xã Đông Ngạc còn có tới hơn 100 hộ nuôi chim cảnh. Đây là một trong những nghề mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. CLB chim cảnh Đình Vẽ tuy mới được thành lập nhưng đã trở thành diễn đàn của những người yêu thích chim cảnh, góp phần tạo nên thú chơi tao nhã ở một làng cổ giàu truyền thống văn hóa và là một trong những yếu tố góp phần xây dựng Đông Ngạc thành điểm đến văn hóa trong bối cảnh đang được đầu tư thành điểm du lịch văn hóa của Hà Nội. Mới đây, cuộc thi tiếng hót chim chào mào tại Đình Vẽ đã thu hút sự tham gia của hơn 100 chủ chim được đông đảo người dân địa phương quan tâm và gây được tiếng vang trong giới chơi chim cảnh Hà Nội.

Ông Nguyễn Hữu Chí, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Từ Liêm cho biết: Để có mỗi vườn quất cảnh đẹp, đôi chim hót hay, người nông dân không chỉ cần mẫn chăm sóc vất vả mà còn phải gửi cả hồn của mình vào đó. Với những người nông dân ở đây, SVC phục vụ Tết đến xuân về không chỉ là nghề làm giàu mà còn là một niềm đam mê, giúp cho đời sống tinh thần ngày thêm lành mạnh.

Bài, ảnh Sơn Tùng