Hành trình "sổ đỏ" (tiếp theo)

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:18, 20/01/2013

(HNM) - Như vậy, lấy mốc từ

Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.


Và nụ cười

Sáng 4-12, theo hướng dẫn từ quyết định thu thuế của UBND quận Hai Bà Trưng, tôi tìm đến địa chỉ 359 Phố Huế. Cứ tưởng chỉ nộp tiền là xong, nào ngờ lại phải qua một thủ tục kê khai nữa để đến với "nhà thuế". Một nhân viên của Văn phòng đăng ký đất và nhà quận Hai Bà Trưng thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường quận ngồi tiếp dân ở ngay ngoài hành lang của ngôi nhà đồ sộ. Thì ra, đây là trụ sở đi mượn của một cơ quan với tôi là quan trọng nhất vào lúc này. Sau vài câu hỏi, người này nhận hồ sơ và lật đật chọn từ trong khoảng 5 tập mẫu đơn để sẵn và trao cho tôi 3 tờ.

- Đây, khai theo các mẫu này.

Nhìn vào mẫu đơn với hơn 30 mục khai như từng gặp ở phường, tôi khá hoang mang. Nỗi sợ nhầm lẫn giữa các đề mục khi khai theo chuyên ngành của nhà và đất ập đến như một phản xạ tự nhiên khiến tôi quên cả lời cảm ơn,  liền hỏi:

- Anh ơi, ở đây có dịch vụ cho công việc này không?
- Thưa bác không ạ - người này đáp.

Nhận xong 3 tờ khai, anh chàng "trực ban" - tôi thầm nghĩ vậy - hỏi tên và ghi danh tôi vào một tờ giấy ghi thứ tự của những người đến trước bằng một cây bút màu đỏ. Nhìn vào danh sách trên một tờ giấy học sinh kẻ ngang ấy, tôi thấy mình đứng ở số 10. Thấy vậy, tôi bèn gặng thêm:

- Ở đây không làm việc buổi chiều, thưa anh?
- Thưa bác, có ạ - lại bác - nhưng các buổi chiều chỉ từ thứ hai đến thứ năm hằng tuần thôi.

Tôi hỏi vậy là vì trên quyết định mà tôi vừa có thấy hướng dẫn "nhà thuế" nơi tôi được chỉ định đến chỉ làm việc vào buổi sáng. Sau câu cảm ơn tôi liền đi đến quán cà phê trên phố Lý Thường Kiệt, gần Thông tấn xã Việt Nam để nghe ngóng thêm tin tức thời sự về tình hình phóng tên lửa mang theo vệ tinh của CHDCND Triều Tiên đang làm "nóng" cả khu vực.

Đến trưa, sau chầu cơm nước vội vàng, tôi cắm cúi kê vào bản khai. Loay hoay vẽ lại hình thửa đất theo yêu cầu của "nhà thuế", vừa vẽ - như một dịp luyện lại tay nghề đã quên từ khi còn mài đũng quần trên ghế đại học ở Trường họa Yếu Kiêu - tôi vừa tự hỏi và không sao giải thích nổi về một cơ quan hướng dẫn thuế lại cần đến hình vẽ mặt bằng kiến trúc mà đáng lẽ nó chỉ cần ở chỗ của các nhân vật quản lý đất đai - tài nguyên. Phải chăng các cơ quan liên quan - cụ thể như trường hợp của tôi - đã không thể tin nhau và khâu xác minh phải là tất yếu? Đây là câu hỏi mà tôi không thể giải đáp.

Trời vào đông, bản vẽ theo yêu cầu kia dù đơn giản nhưng cũng làm tôi nóng ran cả lưng. Ngước nhìn, kim đồng hồ đã chỉ 14h5' là lúc bản vẽ được hoàn chỉnh. Xỏ vội chiếc áo khoác màu lính và không quên chiếc khăn pula vì ngoài kia trời đang trở gió, tôi đến ngay 359 Phố Huế. Và ở đây, tôi gặp lại nhân viên lúc sáng.

- Anh ơi, ghi danh từ sáng, nay nộp hồ sơ có được không anh?

Vẫn nụ cười rất ngoại giao và hóm lạ, anh lẳng lặng lướt qua 2 tờ khai và nhanh chóng dùng bút xóa màu trắng đè lia lịa lên những con chữ mà tôi phải đối chiếu và loay hoay mãi với tập hồ sơ nhà đã cũ để khai cả buổi trưa. Tôi chưa kịp hết ngạc nhiên và cũng chưa kịp ngăn những đường "biên tập" mạnh bạo kia thì anh này đã nghiêng đầu điền lia lịa như không cần nghĩ vào những chỗ vừa xóa dưới con mắt đầy kinh ngạc mà ai cũng nhận ra nếu lúc đó nhìn tôi. Chỉ khoảng 2 hay 3 phút - nếu tính mỗi giây ta đi xong một ký tự - tờ khai của tôi đã hoàn chỉnh dưới bàn tay mà tôi cho là của một nhà ảo thuật kia.

- Đây, xong rồi, bác hãy chép lại vào hai bản này để nộp thành 4 bản. Mà bác đã photo quyết định chưa nhỉ?

- Dạ đã ạ - tôi lễ phép đáp lại con người từng nói đùa với tôi khi cảm thấy tôi ái ngại với tờ khai lúc sáng rằng: "hành là chính mà bác". Đây là câu nói vui cửa miệng mà tôi thấy trái ngược nhất trong toàn bộ sự nghiệp làm báo của tôi cho đến hôm đó (18-12-2012). Nhìn vào thẻ làm việc đeo trên ngực, tôi đọc được tên anh là Đặng Đức Linh - một viên chức vừa cho tôi nụ cười đáng nhớ và duy nhất trong hành trình "sổ đỏ" để tôi có được cái "tít" chợt hiện. Còn đang như trên mây vì bài viết đang hình thành thì, Linh lên tiếng:

- Vậy thì bác nộp tờ photo, còn bản gốc để đối chiếu nhé!

Vừa nói anh vừa chỉ vào phía trong và giục tôi vào nộp hồ sơ. Cũng cần phải nói thêm rằng, để khách quan trong việc qua cái cửa "hành chính" tôi không hề đưa thẻ nghề nghiệp hay xin bất kỳ ưu tiên nào, kể cả việc được cho là "dấm dúi" cho xong việc. Sau nộp hồ sơ là đến khâu đóng thuế. Tôi được hướng dẫn sang con phố bên là Trần Khát Chân để nộp thuế. Tại đây, công việc chẳng có gì khó khăn và tôi cũng không gặp trở ngại gì vì cô nhân viên chẳng buồn nhìn mặt, vừa ngáp vặt vừa theo giấy mà thu tiền. Phải mất một hai lần hẹn nữa với khoản lệ phí một trăm nghìn đồng, tôi đã cầm "sổ đỏ" trong tay.

Thay cho lời kết, trả lời câu hỏi của tôi rằng bao giờ toàn bộ công nhân dệt kim ở khu tập thể nhận được "sổ đỏ", vị cán bộ địa chính phường Đồng Nhân nói như đinh đóng cột:
- Cố gắng năm mới 2013 này phải xong anh ạ.

Tôi tin, nếu câu trả lời của viên địa chính không chỉ là lời hứa thì đây sẽ là niềm vui của không ít gia đình thợ dệt kim Đông Xuân trong Xuân này. Hy vọng họ không phải đợi thêm hơn một thập niên nữa như tôi đã từng dài cổ chờ đợi mới được thấy thứ tài sản rất đáng có của họ được công nhận và thành sự thật.

Quốc Chính