Thức ăn đường phố nhìn từ góc khác
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:14, 20/01/2013
Tầm hơn 11 giờ, các quán ăn ở phố Lý Quốc Sư, đầu phố Bà Triệu, Hai Bà Trưng đoạn từ Siêu thị Pico nhìn sang, đoạn từ phòng vé của Vietnam Airlines đến Viện Kiểm nghiệm dược phố Quang Trung, khu phố cổ và rất nhiều tuyến phố khác ở trên địa bàn thành phố đã đông đúc. Có đủ thứ cho người ăn lựa chọn, từ cơm, bún đậu mắm tôm đến bún bung, bánh mì kẹp giò chả hay bún riêu... Không bàn đến việc một chậu nước rửa tới vài chục cái bát, xuất xứ thực phẩm, giấy chứng nhận sức khỏe đối với người kinh doanh... như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời trong chương trình "Dân hỏi bộ trưởng trả lời" trên VTV... thì bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy sự nhếch nhác của những quán ăn này.
Những chiếc bàn cao thấp đủ kiểu, giấy ăn trắng xóa vỉa hè khiến người ta có thể liên tưởng đây không phải là chỗ để ăn. Áo blu trắng của nhân viên bệnh viện xen lẫn với đồng phục của nhân viên các siêu thị và không thiếu người vẫn lủng lẳng thẻ ra vào cơ quan ngồi kẹp giữa đám đông các cô gái mặc váy. Trời mưa khách khứa co rúm vào tránh nước rỏ, ngày nắng vẫn phơi đầu trần thản nhiên ăn. Lại có đám uống rượu mặt mũi phừng phừng, ăn nói hết cỡ, "dô, ra" ầm ỹ cả "chợ ăn trưa". Mùi thức ăn xông lên nồng nặc. Người đi bộ không có lối chỉ còn cách đi xuống lòng đường. Và khi đơn vị chức năng của phường thực thi nhiệm vụ thì chủ quán la hét, nhân viên nháo nhác còn người ăn, kẻ bê bát đứng ăn, người lại cố ngồi ăn cho hết và có khi còn thách thức. Khi xe công vụ lăn bánh, việc bán hàng và ăn uống trở lại bình thường. Không chỉ buổi trưa, các quán ăn bán vào buổi tối cũng trong tình trạng tương tự như vậy. Điệp khúc ấy cứ diễn ra từ ngày này sang ngày khác trong một vài năm trở lại đây.
Thói quen tùy tiện và dễ dãi trong ăn uống của không ít khách hàng, ham muốn kiếm nhiều tiền hơn cùng với trách nhiệm không cao (?) của chính quyền cơ sở là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng các hộ kinh doanh thức ăn đường phố bất chấp quy định, lấn chiếm vỉa hè, bỏ qua các cam kết giấy ăn phải bỏ vào giỏ... và kết quả là đô thị phải hứng chịu. Nếu nhìn kinh doanh thức ăn đường phố như hiện nay từ góc văn minh, thanh lịch thì đó là "thảm họa". Chúng ta đang xây dựng thành phố văn minh, thanh lịch, lẽ nào cứ để thảm họa diễn ra như vậy?