Giải cứu gần 650 con tin tại Algeria
Thế giới - Ngày đăng : 10:19, 19/01/2013
APS dẫn lời một quan chức quân đội Algeria cho biết các lực lượng an ninh nước này đã giải cứu 573 công nhân người Algeria và khoảng 70 trong tổng số 132 con tin người nước ngoài trong chiến dịch giải cứu do các lực lượng đặc nhiệm nước này tiến hành. Hiện quân đội Algeria đang tìm cách giải cứu những công dân nước ngoài, hiện chưa rõ con số cụ thể, vẫn đang bị các tay súng giam giữ tại In Amenas.
Tình trạng thiếu thông tin cụ thể về vụ bắt cóc nghiêm trọng này đang tạo ra bầu không khí căng thẳng ở nhiều nước chờ đợi tin tức chính xác về số phận các công dân nước mình. Đặc biệt, là sau thông báo từ Bộ Thông tin Algeria thừa nhận các lực lượng đặc nhiệm Algeria trong chiến dịch giải cứu đã gây thương vong cho một số con tin nước ngoài.
Tại London, Thủ tướng Anh David Cameron trong bài phát biểu trước Quốc hội đã bày tỏ lo ngại rằng nhiều công dân Anh đang gặp nguy hiểm tại Algeria. Ông Cameron đã hoãn đọc bài phát biểu quan trọng vốn đang được dư luận trông đợi về tương lai của nước Anh trong Liên minh châu Âu (EU) sau khi hủy chuyến thăm Hà Lan. Theo các nguồn tin, 1 công dân Anh đã bị giết hại, 2 người được thả tự do, nhưng vẫn còn khoảng 20 công dân Anh chưa rõ số phận. Ngoại trưởng Anh William Hague trong phát biểu ngày 18/1 khi đang ở thăm Australia đã lên án mạnh mẽ hành động bắt cóc khủng bố tại Algeria. Ông Hague cũng đã rút ngắn chuyến thăm Australia để về nước theo dõi vụ việc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã rút ngắn chuyến thăm Indonesia để về nước giải quyết vấn đề. Thủ tướng Abe nhấn mạnh bất cứ hành động nào gây thương vong cho người dân vô tội là không thể tha thứ được.
Vụ việc xảy ra vào sáng 16/1 khi một nhóm các tay súng Hồi giáo cực đoan tự xưng là "Tiểu đoàn máu" đột kích cơ sở khí đốt In Amenas, thuộc sở hữu liên doanh giữa Tập đoàn BP của Anh, Statoil của Na Uy và Sonatrach của Algeria, và giam giữ các công nhân làm việc tại đây, trong số các con tin có 41 công dân nước ngoài, mang quốc tịch Mỹ, Anh, Pháp, Ireland, Na Uy và Nhật Bản.
Nhóm bắt cóc nói hành động này nhằm trả đũa việc Pháp phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào miền Bắc Mali hiện nay, đồng thời yêu cầu thả 100 phần tử Hồi giáo cực đoan nhằm đổi lại tự do cho các con tin.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Algeria tuyên bố Chính phủ nước này sẽ không thương lượng với "các phần tử khủng bố".