Cai nghiện tư nhân: Siết quản lý để nâng chất lượng
Đời sống - Ngày đăng : 06:53, 19/01/2013
Cắt cơn… bằng tắm nước lạnh
Theo kết quả cuộc kiểm tra liên ngành tại các cơ sở cai nghiện tư nhân trên địa bàn TP cuối tháng 12 vừa qua, tại 4 cơ sở cai nghiện tư nhân, chỉ duy nhất cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Bạch Đằng (710 Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) có giấy phép hoạt động, có hồ sơ lý lịch và sổ theo dõi bệnh nhân, cắt cơn giải độc và điều trị phục hồi theo phác đồ quy định của Bộ Y tế. Ba cơ sở còn lại đều trong tình trạng không có tư cách pháp nhân, cơ sở sơ sài, không có nhân viên chuyên môn y tế, không đủ điều kiện để thực hiện cắt cơn giải độc, điều trị phục hồi cho bệnh nhân. Qua điều tra được biết, trong suốt quá trình cắt cơn, giải độc tại ba cơ sở này, bệnh nhân chỉ dùng thuốc cai nghiện tự chế có tên gọi là Tiêu Vĩnh Ngọc (chưa được cấp phép của Bộ Y tế).
Tại cơ sở cai nghiện tự nguyện Hòa Chu (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai), hỏi chuyện các bệnh nhân ở đây thì được biết, thủ tục để được nhận hết sức đơn giản. Chỉ cần khai báo họ tên, địa chỉ bất kỳ, đóng 4 triệu đồng cho 10 ngày điều trị
là người nghiện được tiếp nhận. "Đánh" vào tâm lý sợ cộng đồng kỳ thị, chê bai vì có con em nghiện, muốn cai nghiện ở những nơi ít người lui tới, các cơ sở cai nghiện tư nhân trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho các gia đình, nhất là các gia đình danh giá. Ngoài uống thuốc cai nghiện tự chế Tiêu Vĩnh Ngọc, mỗi khi lên cơn, người bệnh được cắt cơn bằng cách… tắm nước lạnh tại vòi nước ngoài trời trước khu nhà ở, chữa bệnh của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân ngại ngần, sợ nước, sợ lạnh, nhân viên của trung tâm sẽ đẩy luôn ra khu vực vòi để tắm. Điều này khiến 100% người nghiện sau khi rời các cơ sở này đều nghiện nặng hơn. Và để chữa nghiện cho con em, các gia đình lại âm thầm, lặng lẽ đưa người nghiện đến cơ sở cai nghiện tư nhân khác… Cái vòng luẩn quẩn ấy đã góp phần khiến người nghiện không cai được ma túy; các cơ sở cai nghiện tư nhân, không phép mọc lên nhiều hơn, quảng cáo nhiều hơn tại các khu vực công cộng.
Cai nghiện cũng cần lựa chọn thông minh
Bác sĩ Nguyễn Kim Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống TNXH TP Hà Nội khẳng định: Việc cai nghiện phải tuân thủ các quy trình quản lý khoa học, chặt chẽ mới hiệu quả. Trong quá trình cắt cơn, giải độc, bệnh nhân phải sử dụng các loại thuốc có thể gây phản ứng. Chỉ các trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội, cơ sở được cấp phép hoạt động, mới có đủ trang thiết bị cần thiết để cấp cứu kịp thời khi tai biến xảy ra. Bên cạnh đó, bệnh nhân phải được nhân viên y tế chăm sóc, xử lý các tình huống 24/24 giờ. Trong suốt quá trình cai nghiện, người nghiện được uống thuốc để quên ma túy, được chăm sóc bằng các liệu pháp thần kinh, giải quyết vấn đề rối loạn nhận thức, mâu thuẫn nội tâm, phục hồi tổn thương não bộ. Các liệu pháp tâm lý trị liệu, tâm lý - xã hội, TDTT và cách ly môi trường ma túy, nâng cao thể trạng… được thực hiện đồng bộ để giúp người bệnh đủ khả năng từ bỏ, lánh xa ma túy.
So sánh những yêu cầu trên với điều kiện vật chất, trang thiết bị tại 3 cơ sở chưa được cấp phép, người ta dễ dàng nhận thấy khoảng cách quá lớn. Khi đưa con em vào các cơ sở không phép, không ít phụ huynh đã nhận thấy điều bất cập này. Nhưng họ vẫn lựa chọn cơ sở cai nghiện chui vì nhiều lẽ: cai ngắn ngày, thủ tục đơn giản, không phải khai báo và trình giấy tờ hợp pháp, không cần đơn từ, không có sự giám sát - bàn giao của chính quyền địa phương. Hơn nữa, đưa con em vào cơ sở cai nghiện tư nhân, người nhà có thể gặp gỡ, giám hộ dễ dàng. Đây là nhu cầu thật của không ít gia đình có con em mắc nghiện. Vì vậy, bên cạnh công tác giám sát, quản lý chặt cơ sở cai nghiện tư nhân; các cơ quan chức năng cần hướng dẫn, hỗ trợ, để các cơ sở từng bước nâng cấp đạt tiêu chuẩn. Hướng tới mục tiêu không còn tụ điểm, trọng điểm ma túy trên toàn TP vào năm 2015, hỗ trợ, giúp đỡ các cơ sở cai nghiện tư nhân ra đời cũng là giải pháp đa dạng hóa các mô hình cai nghiện, xã hội hóa, mở rộng công tác cai nghiện tại cộng đồng mà chúng ta đang hướng tới, nhưng không thể thiếu vai trò giám sát, quản lý của các cơ quan nhà nước.