Hành trình “sổ đỏ”

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:59, 19/01/2013

(HNM) - Rời phố cổ từ những năm 90 của thế kỷ trước, tôi chọn khu tập thể của những người thợ may dệt kim Đông Xuân làm nơi ngụ cư. Vô tình, tôi đã cùng những người "tập thể" bước vào hành trình mang tên "sổ đỏ" vô tiền khoáng hậu, cuộc tìm kiếm nhọc nhằn để tài sản của chính mình được công nhận.


Người dân đến làm thủ tục quyền sở hữu tài sản tại một đơn vị quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

"Ma trận"

Đúng vậy, vì kiến thức sổ đỏ, sổ hồng với tôi cũng như nhiều người không chỉ ở Hà Nội lúc nào cũng mới mẻ và chẳng khác nào một "ma trận". Và, chỉ đến khi ra phường xin hợp pháp tài sản của chính mình từ hàng chục năm qua, tôi càng thấy rõ mình thật là một tay "gà mờ" trong "ma trận" này.

Hy vọng về thứ giấy chứng nhận tài sản với cái tên rất đỗi dân gian - lấy sắc đỏ (sổ đỏ) làm danh xưng - chỉ dấy lên với giới công nhân được gọi là "thổ dân" Dệt Kim cũng như "ma mới" - dân ngụ cư - là tôi ở Khu tập thể dệt kim Đông Xuân vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Ấy là khi UBND phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng mở cuộc đo mốc giới thửa đất của từng nhà - với công nhân của nhà máy được phân để ở và với dân ngụ cư như tôi là mua lại mà theo cách gọi của các cụ trên phố cổ lúc đó là nhà "hoa hồng" mà đôi khi gọi là "hỏa hồng". Nhà "hoa hồng" tức là nhà của ai đó thuê của Nhà nước, nay đổi đi chỗ khác; ai muốn vào ở phải trả cho chủ thuê rời đi một khoản tiền theo thỏa thuận. Thời bao cấp - ai gan to cỡ mấy cũng không dám viết giấy bán nhà như bây giờ; phổ biến nhất là "Giấy chuyển nhượng" viết tay dưới các hình thức cho hoặc tặng mà thôi. Đây là một hiện tượng chưa được tổng kết trong quá trình tìm chỗ ở khi dân Hà thành bắt đầu vấp phải khó khăn về nhà ở sau chiến tranh.

Trở lại cuộc đo đạc, mọi việc diễn ra khá bài bản. Ngay khi cuộc đo đạc diễn ra, tin đồn là để làm cơ sở cấp "sổ đỏ" đã làm sôi động cả cái khu tập thể vốn khá tĩnh lặng ở phía nam thành phố. Cũng từ đấy (10-1996) - tôi cũng như bao hộ chỉ biết hy vọng và sau hơn một thập kỷ cái "sổ đỏ" kia vẫn chỉ là bóng chim tăm cá. Tức là, rất nhiều hộ gia đình công nhân ở đây, nếu cộng thâm niên của cả hai vợ chồng và con cái họ từng cống hiến cho nhà máy thì thời gian có đến nửa thế kỷ hoặc hơn thế cho thương hiệu Dệt Kim. Và, có người - từng là Chiến sĩ Điện Biên, hàng xóm của tôi - khi chết vẫn không được nhìn cái "sổ đỏ" mà ông từng tâm sự sẽ giao cho vợ và con giữ. Cũng nên biết, các sản phẩm dệt kim rất nổi tiếng thời chiến tranh và bây giờ vẫn được thị trường ưa chuộng vì giá cả cạnh tranh và chất lượng tốt. Nhưng, với những người làm ra các sản phẩm không chỉ một thời đó, cái "sổ đỏ" kia như thách thức sự cống hiến - ngoài lương hưu - của họ chưa là một hồi kết có hậu.

Cũng cần thêm rằng Khu tập thể dệt kim Đông Xuân được hình thành từ sau hòa bình lập lại (1954) với sự trợ giúp máy móc, vật liệu của các nước XHCN, đặc biệt là CHDC Đức. Công nhân nhà máy được phân nhà để ở. Ai độc thân được phân ở các căn hộ 24 mét vuông có vách ngăn làm hai (để bảo đảm tiêu chuẩn 12 mét vuông/người) tại các khu nhà xây sẵn. Các gia đình có con hoặc các cặp công nhân - nên vợ nên chồng tại nhà máy - được phân một gian nhà cấp bốn 24 mét vuông liền mái. Ai có dịp đến đây vào thời chiến tranh mới thấy khu công nhân dệt kim là một làng văn hóa không cần trương biển vì tinh thần tương thân tương ái của bà con nơi đây. Đầu các dãy nhà cấp bốn có các bể nước lớn chứa được hàng chục mét khối để các hộ dùng chung. Nhà tắm cho người lớn, nhà vệ sinh dùng chung đôi lúc bất tiện, nhất là vào buổi sáng sớm, nhưng thật hiếm khi thấy ai kêu ca. Sự cảm thông bằng vàng này chỉ khi qua rồi người ta mới chợt nhận ra sao có thời người ta yêu thương nhau đến thế trong bộn bề khó khăn. Nhà ăn Nguyễn Công Trứ ở ngay giữa phố cùng tên của nhà máy rất nổi tiếng, phục vụ ba ca cho cả ngàn công nhân lúc nào cũng tấp nập như một cửa hàng thực phẩm trong những năm bao cấp. Từng hàng dài công nhân xếp hàng lấy cơm và thức ăn bằng phiếu có đóng triện màu đỏ. Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến các chị, các mẹ Dệt Kim Đông Xuân sao vuông đầu mũ góp lửa vít cổ giặc trời Mỹ đận 12 ngày đêm là một hình ảnh truyền thống đẹp của Thủ đô…

- Anh phải mang đủ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu ngôi nhà.

Tiến, cán bộ địa chính họ Hoàng của phường nhắc tôi với vẻ mặt rất đặc trưng của một nhân viên hành chính có nghề khi tôi hỏi về các thủ tục.

Sau một hồi được lưu ý các thứ giấy má cần thiết để hoàn thành hồ sơ, tôi thấy đây một "chiến trường" không quen thuộc. Do đó, không chút do dự: "Tớ "đặc cán mai táu" về việc này", và ngỏ lời cậy nhờ anh cán bộ họ Hoàng về thủ tục mà trong đó khâu mắc nhất là đo đạc lại thửa đất và điền vào bản khai với hàng chục đề mục mà tôi chắc là sẽ khai lộn, nếu chỉ khai một lần.

Đề nghị của tôi được chấp nhận. Thế là một tổ đo đạc 3 người của công ty trắc đạc địa đồ khu vực được phái đến. Chừng hơn một giờ đồng hồ thì xong.

Vài ngày sau, theo hẹn tôi ra phường gặp anh cán bộ họ Hoàng để hoàn thành thủ tục; đồng thời trình cái biên bản đo đạc đã ố vàng từ hơn 10 năm trước mà tôi đã quên và chỉ nhận ra nó đã ố vàng khi xem lại những giấy tờ cũ đầy kỷ niệm của gia đình. Như một phản xạ tự nhiên sau khi cầm hai tờ biên bản cũ rích mà tôi vừa trao, anh chàng địa chính ra chiếc tủ hồ sơ bằng sắt để ở ngoài hành lang của UBND phường. Tiến khệ nệ bê ra một chồng hồ sơ đã đóng thành quyển. Sau một hồi đối chiếu với cái biên bản tôi vừa trao, người thừa hành công vụ theo tôi là rất mẫn cán này lật ra đúng trang biên bản gốc về thửa đất ngôi nhà của tôi được UBND phường Đồng Nhân lập cách đây 14 năm.

- Thế là yên tâm rồi - Tiến nói với tôi mà cứ như nói với chính anh vậy.

Nhìn vào hồ sơ lưu và hồ sơ tôi vừa nộp khớp 100%, chợt tôi khó hiểu cách thức làm ăn của dân địa chính cơ sở. Thiết nghĩ, không có biến động về tài sản trên đất như hồ sơ của tôi thì nên chăng không cần buộc người dân phải đo vẽ lại. Nhưng, muốn cho xong chuyện nên tôi chẳng buồn thắc mắc. Và, điều này một lần nữa lặp lại tại nơi tôi khai để đóng thuế càng khiến tôi kinh ngạc. Sau khi hoàn tất hồ sơ, một khâu nữa tôi phải qua. Đó là lấy ý kiến của các "lão làng" nơi cư trú để bảo đảm hồ sơ đất ở của tôi không bị ai kiện. Một "Giấy mời" của UBND phường với nội dung "xác định lại nguồn gốc đất theo Thông tư 06" do một Phó Chủ tịch phường ký tên, đóng dấu được phát đi. Sau đó là một cuộc họp như một cuộc gặp mặt ấm cúng vì chúng tôi đều là hàng xóm và quá biết nhau. Sau cuộc họp đến vui vẻ ấy và chẳng có ai kiện tụng gì với tài sản của tôi; thủ tục đã xong. Và, khoảng sau hai tháng chờ đợi, tôi nhận được "trát" thông báo về thực hiện nghĩa vụ tài chính từ UBND quận với tài sản vốn là của mình từ hơn chục năm qua trong một niềm vui lạ.

(Còn tiếp)

Quốc Chính