Tái hiện chặng đường cách mạng của vị Trung tướng đầu tiên
Văn hóa - Ngày đăng : 07:28, 18/01/2013
- Thưa ông, phim truyện về đề tài lịch sử, nhất là lịch sử cách mạng chắc chắn là một thách thức lớn. Vì sao hãng lại chọn thực hiện bộ phim này?
- Với riêng tôi, cứ được làm phim về bộ đội là thấy hào hứng, phấn khởi. Dự án phim này xuất hiện là nhờ gợi ý từ hội thảo “Nguyễn Bình - Vị tướng huyền thoại” do Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức. Ông quê ở Hưng Yên, tên thật là Nguyễn Phương Thảo, sớm tham gia hoạt động cách mạng, là người đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong hàm Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau này, ông còn được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trước đây, mới chỉ có phim tài liệu về Nguyễn Bình chứ chưa hề có phim truyện khắc họa hình ảnh vị tướng huyền thoại này. Cuộc đời ông là nguồn cảm hứng lớn cho chúng tôi thực hiện bộ phim này. Và đáng mừng là bộ phim đã nhận được nguồn hỗ trợ đáng kể từ xã hội hóa.
Một cảnh trong bộ phim. Ảnh: Trần Chung |
- Ông có thể giới thiệu với bạn đọc tinh thần chính của bộ phim cũng như ê kíp thực hiện tác phẩm?
- “Độc nhãn tướng quân Nguyễn Bình” tái hiện chặng đường hoạt động cách mạng phong phú, gắn liền với nhiều địa phương từ Bắc vào Nam của Trung tướng Nguyễn Bình.
Chúng tôi rất yên tâm khi kịch bản do nhà văn - Đại tá Khuất Quang Thụy xây dựng và NSND Trần Phương đạo diễn. Dàn diễn viên bên cạnh những gương mặt mới cũng có những diễn viên có nghề như nghệ sĩ Tiến Hợi (vai Chủ tịch Hồ Chí Minh). Một thời điểm quan trọng trong phim, và quan trọng với cuộc đời cách mạng của Nguyễn Bình là khi ông được giao nhiệm vụ vào Nam bộ với tư cách đặc phái viên của Trung ương, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cảnh quay đáng chú ý này đã được thực hiện tại Phủ Chủ tịch ngay trước lễ chính thức đóng máy bộ phim ngày 13-1 vừa qua.
- Lúc đầu, phim có tên là “Vị tướng huyền thoại” nhưng nay lại đổi thành “Độc nhãn tướng quân Nguyễn Bình”, hẳn là có một lý do xác đáng, thưa ông?
- Đây là một chi tiết đáng chú ý trong cuộc đời cách mạng của Nguyễn Bình. Năm 1928, vừa tròn 20 tuổi, với tên Nguyễn Phương Thảo, ông gia nhập Quốc dân đảng (khi ấy còn là một Đảng tiến bộ chống thực dân Pháp) do Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Năm 1929, bị thực dân Pháp bắt, đày ra Côn Đảo, ông được những người cộng sản giác ngộ, kiên quyết từ bỏ Quốc dân đảng. Sự thay đổi quan điểm tư tưởng, lập trường chính trị dứt khoát này đã khiến những người tù Quốc dân đảng trả thù bằng cách móc một con mắt của ông. Sau này, chính ông nói câu nổi tiếng: “Từ khi chỉ còn một con mắt, tôi thấy mình sáng ra!”. Chúng tôi đã sử dụng chi tiết đặc biệt này để khái quát thành tên gọi bộ phim là “Độc nhãn Tướng quân Nguyễn Bình”.
- Dự kiến khi nào phim được công chiếu, thưa ông?
- Lúc đầu, phim dự kiến có 20 tập nhưng sau do có thêm nhiều tình tiết hay gắn liền với các địa phương nên chúng tôi khai thác thêm và dựng thành 31 tập. Nay vừa hoàn thành phần quay và đang tiến hành hòa âm, dự kiến khoảng tháng 3-2013 sẽ công bố lịch phát hành cụ thể. Tuy nhiên, nhiều khả năng phim sẽ ra mắt trước tiên trên các kênh truyền hình phía Nam.
- Xin cảm ơn ông!