Cuộc tìm kiếm khó khăn
Thế giới - Ngày đăng : 07:05, 18/01/2013
Điện gió được xem là một nguồn năng lượng của tương lai. |
Nhưng giờ mọi thứ đã hoàn toàn đổi khác. Internet được phong tặng như một trong những phát minh vĩ đại của nhân loại trong khi năng lượng tái tạo đã trở thành câu chuyện thời sự. Những cuộc thảo luận về đề tài mới lạ nhưng đang nóng lên này đã được các lãnh đạo toàn cầu đưa ra trong Hội nghị thượng đỉnh về Tương lai năng lượng thế giới (WFES) đang diễn ra tại thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Kể từ khi thứ dung dịch đen đặc được khoan lên từ lòng đất mang đến sự giàu có tột bậc cho những tài phiệt ham khám phá và biết nắm thời cơ, dầu mỏ đã trở thành một tác nhân quan trọng dẫn tới cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ của con người. Với những chế phẩm có tính thực tiễn, hiệu quả sử dụng cao, dầu mỏ là khởi nguồn cho sự ra đời của hàng loạt sản phẩm công nghệ giúp nâng cao đời sống nhân loại. Những thành công trong kỷ nguyên dầu mỏ đã khiến loài người không thể tưởng tượng rằng thế giới sẽ thế nào nếu như thiếu đi nguồn nhiên liệu hóa thạch tối ưu này. Thế nhưng, các nhà khoa học đã thông báo tin buồn rằng, ngày đó không còn xa. Theo tính toán của các chuyên gia, tổng trữ lượng dầu mỏ của thế giới ước tính trên 1.000 tỷ thùng và cũng không thể vượt quá 2.000 tỷ thùng nếu tính cả những giếng dầu tại những nơi khó khai thác nhất trái đất. Như vậy, với tốc độ tiêu thụ trung bình khoảng 30 tỷ thùng/năm hiện nay của con người, một phép tính đơn giản cho thấy rất có thể dầu mỏ sẽ trở thành quá khứ sau khoảng nửa thế kỷ nữa.
Thế giới đã nhận thức được nguy cơ này. Song con người không thể tồn tại nếu thiếu các nguồn nhiên liệu và bài toán đặt ra là làm thế nào để chuẩn bị cho một cuộc sống hạn chế hoặc không dầu hỏa. Hành trình tìm kiếm câu trả lời đã và đang diễn ra trong cuộc tập hợp WFES ở Abu Dhabi. Giải pháp được xem là tối ưu và không thể thay thế là tăng tốc đầu tư cho các dự án năng lượng tái sinh, năng lượng sinh học và năng lượng sạch. Thông điệp này cùng ý tưởng thành lập một nguồn quỹ chung để thúc đẩy các chiến lược năng lượng mới đã nhận được sự đồng tình tuyệt đối của các nhà khoa học lẫn các chính trị gia toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề muôn thuở lại là chuyện đóng góp. Đáp lại lời kêu gọi vận động cho nguồn quỹ của Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Argentina Cristina Kirchner cho rằng dẫu là trách nhiệm chung song mức đóng góp không thể như nhau và các quốc gia phát triển cần có trách nhiệm lớn hơn vì đó là những chủ thể tiêu tốn nhiều năng lượng của thế giới.
Giống như vấn đề góp quỹ chống biến đổi khí hậu, những cuộc tranh luận kiểu này xem ra còn lâu mới có hồi kết. 257 tỷ USD đã được đầu tư cho các dự án năng lượng tái sinh trong năm qua và một lộ trình với nỗ lực tăng tỷ trọng đóng góp của nguồn năng lượng này vào tổng năng lượng toàn cầu từ 16% hiện nay lên 30% vào năm 2030 đã được khởi động. Thế nhưng, ý chí chưa phải là bảo đảm cần và đủ cho một cuộc chuyển giao êm thấm giữa kỷ nguyên dầu hỏa và thời đại của năng lượng tái tạo. Đến lúc này, khi vàng đen vẫn đang ở ngôi cao thì sự đóng cửa của các nhà máy sản xuất pin mặt trời cũng như sự lạ lẫm với năng lượng gió, thủy triều... cho thấy không dễ thay đổi thói quen và hướng tư tưởng của con người vào một cuộc cách mạng mới. Dù vậy, việc khan hiếm các nguồn nhiên liệu hóa thạch khẳng định thế giới tất yếu và đang mở đầu một thời kỳ mà các loại năng lượng khác sẽ dần thay thế mỏ dầu. Thế nhưng, nhân loại sẽ cần nhiều thời gian hơn để đón nhận sự thay đổi bước ngoặt đó mới bước vào một giai đoạn hậu dầu mỏ không dễ dàng nhưng hứa hẹn sự thân thiện hơn với con người và bầu khí quyển Trái đất.