Diện mạo mới đang hình thành

Xã hội - Ngày đăng : 06:11, 18/01/2013

(HNM) - Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Hà Nội đã lựa chọn 19 xã điểm ở 19 huyện, thị xã, trong đó có một xã làm thí điểm của trung ương ở Thụy Hương (Chương Mỹ), 3 xã làm điểm của thành phố ở Song Phượng (Đan Phượng), Mai Đình (Sóc Sơn) và  Đại Áng (Thanh Trì) và 15 xã điểm của huyện, thị xã.

Ban chỉ đạo (BCĐ) thành phố và 19 huyện, thị xã đã tập trung chỉ đạo 19 xã điểm khẩn trương khảo sát, lập đề án xây dựng NTM, trình UBND thành phố phê duyệt, đồng thời tập trung nguồn lực, nhân lực để tổ chức thực hiện; các sở, ban, ngành thành phố, UBND các huyện, thị xã, các tổ chức đoàn thể... đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền tạo chuyển biến sâu rộng trong nhận thức của cán bộ và cộng đồng dân cư về xây dựng NTM, huy động sự tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng cho phát triển sản xuất, tập trung sức người sức của làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

HTX ở mô hình nông thôn mới xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ảnh: Thái Hiền


Sau hơn hai năm triển khai, đến thời điểm này, xã Thụy Hương (Chương Mỹ) đã có 18/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt, chỉ còn một tiêu chí chưa đạt; xã Song Phượng (Đan Phượng) đã có 16/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt; xã Mai Đình (Sóc Sơn) đã có 13/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt; xã Đại Áng  (Thanh Trì) có 12/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt. Đối với 15 xã điểm của các huyện, thị xã, có 11 xã đạt hoặc cơ bản đạt 10-13 tiêu chí, chỉ còn 4 xã đạt hoặc cơ bản đạt dưới 10 tiêu chí là Đa Tốn (Gia Lâm), Đồng Tân (Ứng Hòa), Đại Đồng (Thạch Thất) và Nghĩa Hương (Quốc Oai).

Điều quan trọng là ở các xã điểm nhận thức của nhân dân về NTM đã được nâng cao; các hình thức tổ chức sản xuất đã được đổi mới, một số xã có HTX chuyển đổi và thành lập mới thực hiện tốt hơn vai trò hỗ trợ kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển theo hướng mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa nông sản. Đặc biệt, ở các xã điểm đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động; kết cấu hạ tầng kỹ thuật và an sinh xã hội được đầu tư đồng bộ, nâng cấp các tuyến đường giao thông cấp xã, đường nội đồng, hệ thống đường điện, trạm biến áp phục vụ nông thôn được tăng cường; kênh mương hóa nội đồng được đầu tư phục vụ sản xuất. Phong trào dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao năng suất chất lượng nông sản; tạo ra hướng mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa. Hệ thống cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin liên lạc được nâng cấp, mạng lưới y tế nông thôn phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân ngày càng hoàn chỉnh; các thiết chế văn hóa, thông tin, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí được đầu tư đồng bộ, các xã điểm đều có mạng lưới bưu chính viễn thông...

Cùng với chỉ đạo làm điểm, thành phố đã triển khai chương trình NTM rộng ra tất cả các huyện, thị xã nhằm thực hiện thắng lợi chương trình NTM giai đoạn 2010-2020. Đến nay, các huyện, thị xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề của cấp ủy về xây dựng NTM, thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác giúp việc BCĐ của huyện, thị xã; chỉ đạo các xã khảo sát, đánh giá thực trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng dẫn của trung ương và thành phố; trên cơ sở đó, các huyện, thị xã đã lập đề án chung của huyện và của các xã. Tất cả 19/19 huyện, thị xã đã triển khai việc khảo sát, lập đề án của huyện, trong đó, 15/19 huyện đã lập xong đề án và báo cáo BCĐ thành phố (chỉ còn huyện Ba Vì, Đan Phượng, Thạch Thất và Thường Tín chưa lập xong), 4 huyện là Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và huyện Sóc Sơn đã phê duyệt đề án. Có 325 xã đã lập xong đề án xây dựng NTM của xã, đang được UBND các huyện, thị xã xem xét phê duyệt theo thẩm quyền, trong đó, có 125 xã đã được phê duyệt. Có 295 xã lập quy hoạch xã NTM, trong đó 63 xã đã được UBND các huyện, thị xã phê duyệt.

Mặt khác, để từng bước nâng cao năng lực chuyên môn về xây dựng NTM, UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cho Sở NN&PTNT (cơ quan thường trực BCĐ thành phố) phối hợp với các sở, ngành và các huyện, thị xã mở các lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt của 19 huyện, thị xã, 400 xã và 137 thôn của 19 xã điểm với 228 cán bộ huyện, 5.200 cán bộ xã, 1.370 cán bộ thôn tham gia. BCĐ xây dựng NTM thành phố đã tổ chức phát động phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng NTM", đã có 38 doanh nghiệp tham gia ủng hộ chương trình xây dựng NTM với tổng kinh phí 213 tỷ đồng. 9 huyện, thị xã cũng tổ chức phát động phong trào, huy động được sự tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn với số tiền ủng hộ gần 100 tỷ đồng...

Có thể nói, sau hai năm triển khai, bức tranh NTM của Hà Nội đã khởi sắc, bộ mặt nông thôn đổi thay, người dân phấn khởi tin tưởng và tham gia nhiệt tình, có hiệu quả. Phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng NTM" đang diễn ra rộng khắp với nhiều cách làm hay, sáng tạo đã tạo ra sức bật mới, bền vững trong công cuộc kiến tạo nông thôn Hà Nội hôm nay.

Thạc sỹ Lê Thiết Cương