Nhập khẩu trở lại nội tạng trắng: Nên thế nào?

Kinh tế - Ngày đăng : 14:26, 17/01/2013

Ông Vũ Văn Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, số lượng thịt gia súc, gia cầm, nội tạng… nhập khẩu vào nước ta tăng lên nhanh chóng.

Ảnh minh họa


Phải theo "sân chơi" chung?

Không chỉ số lượng nhập khẩu tăng, mà qua kiểm tra, cơ quan thú y và các ngành chức năng đã phát hiện khá nhiều vụ việc như nhiều lô hàng gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, nhãn hàng hóa không đúng quy định, nhiều lô hàng bị ô nhiễm vi sinh vật vượt mức cho phép, có nhiều tạp chất, không đảm bảo vệ sinh thú y..., đã phải xử lý buộc tiêu hủy, hoặc tái xuất.

Để đảm bảo an toàn thưc phẩm cho người tiêu dùng, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn 1152/TTg-KTTH ngày 7/7/2010 về dừng nhập khẩu mặt hàng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp thực hiện dừng nhập khẩu các loại nội tạng (bao gồm cả trắng và đỏ). Sau đó, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 7080/VPCP-KTTH ngày 6/10/2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng đỏ. Riêng đối với nội tạng trắng, việc dừng nhập khẩu vẫn kéo dài đến nay.

Theo ông Minh, khi gia nhập WTO, chúng ta phải tuân theo các nguyên tắc cơ bản của Tổ chức này là Nguyên tắc không phân biệt đối xử, Nguyên tắc thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng lành mạnh... WTO yêu cầu đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh mở, bình đẳng và lành mạnh giữa các nước thành viên trên nền tảng các khung chính sách thương mại được WTO chấp nhận.

"Hiện nay các nước thành viên WTO, đặc biệt là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam cho rằng nếu dừng nhập khẩu nội tạng trắng thì phải có cơ sở, phải có chứng cứ khoa học cho biện pháp cấm nhập này", ông Minh nói.

Hiện nay một số nước như Trung Quốc, Malaixia, Inđônexia (thành viên của tổ chức WTO) cũng cho nhập mặt hàng này.

Nội tạng đỏ bao gồm tim, gan, thận gia súc, gia cầm.

Nội tạng trắng bao gồm dạ sách trâu bò, dạ dày, tràng, ngẩu pín, mề gà….

Nhập chính ngạch: Không phát sinh vi phạm an toàn thực phẩm

Theo nhận định của phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực tế thời gian qua, các vi phạm về an toàn thực phẩm đối với các loại nội tạng nhập khẩu nói chung đều không phát sinh ở những lô hàng nhập chính ngạch tại các cửa khẩu lớn.

Vấn đề mất an toàn thực phẩm chủ yếu xảy ra ở các hoạt động buôn lậu qua đường biên giới vốn thực chất là nằm ngoài vòng kiểm soát bằng các quy định pháp lý.

Nếu cho phép, lượng nhập khẩu không lớn

Hơn nữa, thực tế, lượng nhập khẩu nội tạng trắng nếu có cho phép cũng sẽ ở mức độ không lớn, về giá trị thương mại là không đáng kể, phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Đánh giá khả năng về lượng nếu cho phép nhập khẩu trở lại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng các loại sản phẩm nhập khẩu tập trung chủ yếu vẫn là tràng, mề gà… với số lượng sẽ không nhiều hơn đáng kể so với lượng đã nhập trong những năm trước đây.

Theo số liệu thống kê, tổng lượng nhập nội tạng trắng những năm trước không lớn, năm 2009 là 477,78 tấn và năm 2010 là 22,57 tấn chủ yếu nhập từ Hoa Kỳ, Úc, Ba Lan.

Biện pháp kiểm soát nội tạng nhập khẩu

Chị Phan Thu Trang, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: "Gia đình tôi thích ăn món dạ sách bò và dạ dày lợn, tôi chỉ băn khoăn là liệu các lô hàng nội tạng nhập khẩu có đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hay không". Đây cũng là băn khoăn của nhiều người dân trước thông tin cho nhập trở lại nội tạng trắng.

Trao đổi về băn khoăn này của người dân, đại diện Cục Thú y, ông Phùng Minh Phong - Trưởng phòng Kiểm dịch cho biết sẽ có những giải pháp và biện pháp kỹ thuật kiểm soát an toàn thực phẩm khi cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng trắng.

Cụ thể là chỉ cho phép nhập khẩu từ các nước đã thỏa thuận và thống nhất với Việt Nam về yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch đối với nội tạng trắng xuất khẩu vào Việt Nam.

Đồng thời, tất cả các lô hàng nội tạng trắng nhập khẩu vào Việt Nam đều phải được lưu giữ tại khu vực cửa khẩu nhập, có sự giám sát của cơ quan hải quan và kiểm dịch động vật; lấy mẫu 100% số lô hàng để kiểm tra các chỉ tiêu cảm quan, lý hóa, vi sinh vật; lấy mẫu theo tần suất để giám sát các chỉ tiêu tồn dư kháng sinh, hóa chất độc hại, áp dụng chế độ kiểm tra trước thông quan sau.

Ngoài ra, tất cả các lô hàng nhập khẩu không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm hoặc có nguồn gốc từ các nước chưa có thỏa thuận về yêu cầu vệ sinh thú y hoặc từ các cơ sở sản xuất chưa được phép xuất khẩu vào Việt Nam đều buộc phải tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Năng lực, hiệu quả kiểm soát là quan trọng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năng lực và biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm động vật nhập khẩu của Việt Nam đã được cải thiện hơn trước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành Thông tư 25/2010/TT-BNNPTNT quy định việc kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc động vật.

Các cơ quan kiểm dịch động vật thuộc Cục Thú y đã được tăng cường về năng lực cho các đơn vị trực tiếp kiểm soát nhập khẩu ở các cửa khẩu lớn như Hải Phòng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đảm bảo đủ khả năng và kinh nghiệm để kiểm soát tốt việc nhập khẩu mặt hàng này, ông Phùng Minh Phong nói.

Thực tế cho thấy rằng dù chủ trương đúng thì việc thực thi vẫn là một yếu tố quyết định, đặc biệt quan trọng. Và riêng trong vấn đề kiểm soát sản phẩm động vật nhập khẩu, càng cần công tác kiểm dịch phải hiệu quả, kiên quyết không cho đưa vào loại hàng kém tiêu chuẩn, chất lượng.

Theo CP