Không chạy theo số lượng
Đời sống - Ngày đăng : 07:46, 17/01/2013
- Theo báo cáo sơ bộ của 63 tỉnh, thành phố, đến tháng 12-2012, thực hiện Quyết định 1956, cả nước đã và đang tổ chức dạy nghề cho gần 485.000 lao động nông thôn (LĐNT), trong đó, trên 350.000 người đã học xong. Nhiều địa phương đã phân cấp cho cấp huyện tổ chức triển khai dạy nghề cho LĐNT. Gần 2.000 cơ sở dạy nghề đã trực tiếp về các xã nắm nhu cầu, khi được giao ký hợp đồng đào tạo và kinh phí đã tổ chức dạy nghề theo nhu cầu của người học và yêu cầu phát triển sản xuất ở địa phương. Đến nay, nhiều địa phương đã tập trung chỉ đạo gắn kết giữa dạy nghề với giải quyết việc làm, phát huy thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, nhiều điển hình LĐNT sau học nghề đã trở thành chủ trang trại, tổ hợp tác, doanh nghiệp có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Tuy nhiên còn tồn tại nhiều bất cập, yếu kém trong quản lý dẫn đến hệ lụy tiêu cực. Qua kiểm tra đã phát hiện ở nhiều địa phương để xảy ra hiện tượng "người già, hưu trí" đến đăng ký học và để "chạy" thành tích nhưng cán bộ cấp cơ sở cũng làm ngơ. Đơn cử như ở Lâm Đồng, các lớp dạy nghề như: trồng, chăm sóc cà phê, sửa chữa máy nông nghiệp, trồng dâu nuôi tằm đều có thời gian học là 3 tháng nhưng thực tế theo người lao động và các giáo viên dạy nghề thì chỉ diễn ra 1 tháng.
Dạy nghề sửa chữa điện tử cho lao động nông thôn tại Trung tâm Dạy nghề Phương Nam (quận Long Biên). Ảnh: Bảo Lâm |
Theo phản ánh, việc đào tạo nghề cho LĐNT hiện nay theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa", không thực chất, nên phần lớn người học nghề học xong vẫn thất nghiệp, nhiều sản phẩm không có đầu ra. Theo ông, để khắc phục tình trạng này cần những giải pháp gì?
- Đây là kẽ hở trong đào tạo gắn với tổ chức thị trường. Muốn có kết quả tốt, cần phải quy hoạch lại vùng sản xuất, tổ chức lại thị trường, tạo lòng tin giữa người sản xuất và người nông dân với đơn vị dịch vụ. Đồng thời, công tác đào tạo sẽ không chú trọng vào số lượng mà siết chặt quản lý về chất lượng. Thời gian đào tạo phải phù hợp với nghề đào tạo. Không tổ chức dạy và học khi người lao động không định hướng được nơi làm việc và mức thu nhập có được sau khi học. Điều quan trọng hơn là chính quyền xã phải vào việc cùng với huyện quy hoạch ngành nghề đào tạo để người dân biết và đăng ký học.
Để đạt mục tiêu đào tạo nghề cho 600.000 lao động nông thôn trong năm 2013, Bộ sẽ có những giải pháp đột phá nào thưa ông?
- Năm 2013, để đạt được mục tiêu dạy nghề cho 600.000 lao động cần tăng chất lượng cũng như số lượng tuyển sinh đầu vào. Hiện nay, việc chiêu sinh tại nhiều cơ sở chưa đạt yêu cầu vì nhiều người không muốn học nghề mà muốn vào đại học, cao đẳng. Do đó, công tác tuyên truyền hết sức quan trọng để xã hội có cái nhìn đúng hơn về học nghề, ý thức được việc làm nghề cũng là đóng góp cho xã hội. Việc đào tạo nghề cũng cần phải làm chắc chắn hơn, tập trung vào quản lý chất lượng đào tạo, tránh tràn lan. Đào tạo người LĐNT phải có kiến thức, kỹ năng để sản xuất, có nhận thức để chuyển đổi cơ cấu LĐNT sang dịch vụ, các nghề truyền thống và quan trọng hơn là thực hiện các mục tiêu nông thôn mới. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát thực hiện đề án; trong đó tập trung kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề và tổ chức các lớp dạy nghề cho LĐNT.
Xin trân trọng cảm ơn!