Mười ba mảnh ghép tình yêu Hà Nội

Văn hóa - Ngày đăng : 07:28, 17/01/2013

(HNM) - Thư mời đến triển lãm


Mười ba họa sĩ này mở đầu cho ý tưởng những triển lãm tôn vinh Hà Nội có cùng tên "Made in Hà Nội" mỗi khi xuân về của bà chủ Mai Gallery - Trần Phương Mai. Nổi tiếng là nhà tổ chức "mát tay", việc quy tụ được 13 họa sĩ trẻ và vững nghề trong lần đầu tiên mở "Made in Hà Nội" cho thấy ý tưởng được hưởng ứng nhiệt tình. Chu Viết Cường, Đỗ Hiệp, Phạm Quang Hiếu, Lê Chí Hiếu, Nguyễn Văn Hổ, Trịnh Ngọc Liên, Triệu Long, Phạm Tuấn Tú, Trịnh Minh Tiến, Nguyễn Thành Sơn, Nguyễn Hoàng Tùng, Lương Trung, Vũ Đức Trung, mỗi người mang đến hai bức tranh mới nhất để ghép thành Hà Nội vào xuân.

Bước vào không gian triển lãm ống đặc biệt trên tầng 3 của Art Talk Café, người xem có cảm nhận như bước vào từng con ngõ của Hà Nội. Có chút màu của ký ức, màu của mơ tưởng bên các gam màu sống động và hiện đại của 26 bức tranh. Theo ý đồ ban đầu, 13 họa sĩ sẽ mang đến 13 phong cách và 13 chất liệu tới triển lãm. Nhưng cuối cùng chất liệu sơn dầu và sơn mài vẫn chiếm ưu thế. Vẽ về Hà Nội, đương nhiên Tháp Rùa, Nhà thờ Lớn, phố cổ hay cầu Long Biên được nhắc đến nhiều nhưng vẫn có nét riêng qua góc nhìn của người trẻ. Cùng cặp tranh về Tháp Rùa và Nhà thờ Lớn, Đỗ Hiệp chọn phong cách hoài cổ, mãi đắm mình không thấy chán còn Lê Chí Hiếu táo bạo, bay bổng. "Mưa" của Nguyễn Đức Trung vẽ Hồ Gươm mờ ảo trong mưa mà trông thật giống ảnh chụp. Phạm Tuấn Tú tham gia "Gặp Rùa" và "Một ngày trên hồ" cũng có bóng Tháp Rùa nhưng cách phối màu xanh lá và chuyển phong cách của anh gây nhiều chú ý. Chọn nét tươi và trẻ là Nguyễn Văn Hổ với "Ngày chủ nhật" và "Ngày tận thế" bên Bờ Hồ.

Mảng đề tài về phố khá quyến rũ trong tranh của Trịnh Ngọc Liên (Ngõ, Ngõ chiều) và Chu Việt Cường (Hà Nội bình yên, Thu Hà Nội). Người xem không thấy lặp lại bởi cách sử dụng ánh sáng đèn, nắng để khéo léo "bóc" đi nét trầm tư muôn thuở của phố. Còn khi lạc vào "Phố", "Con đường" của Hoàng Tùng, hẳn ai cũng có cảm nhận đầy đủ nhất quá trình đô thị hóa với khói bụi, tiếng ồn, nạn tắc đường quanh những cao ốc, cầu vượt. Lương Trung chọn điểm nhìn khá mới mẻ kiểu như một chiếc camera ở ngã tư phố để lột tả sự lộn xộn của giới trẻ hôm nay trong "Không tranh cãi" và "Ngoài cơ cấu". Còn nét láng bóng của chiếc ô tô mà Trịnh Minh Tiến đưa vào trong "Điểm vàng sắc phố" và "Vết xước" khiến người xem phải nhìn lại mình, nhìn người xung quanh. Cách thể hiện gây chú ý đã là một thành công cho tác giả. Có lẽ, để kết thúc, người xem nên bước vào không gian âm nhạc, vũ hội của Triệu Long trong "Cuối ngõ" và "Bãi giữa sông Hồng". Chúng mang hơi thở của mùa xuân, ấm áp diệu kỳ, xua tan đi cái giá lạnh của những ngày cuối đông ngoài trời và trong lòng mỗi người.

Phòng tranh quy tụ những sắc màu mới mẻ về Hà Nội của những nghệ sĩ Thủ đô mở cửa đến 13-2.

An Nhi