Đòn mạnh giáng vào chính phủ

Thế giới - Ngày đăng : 07:13, 17/01/2013

(HNM) - Lệnh bắt giữ Thủ tướng đương nhiệm Raja Pervez Ashraf của Tòa án Tối cao Pakistan (15-1), với những cáo buộc dính líu tới vụ tham nhũng liên quan đến các dự án điện trong thời gian giữ chức Bộ trưởng Bộ Nước và Năng lượng năm 2010 ngay lập tức tạo cơn địa chấn chính trị tại quốc gia Nam Á này.

Động thái bất ngờ này xuất hiện giữa lúc một giáo sĩ có tiếng - người được cho là do quân đội ủng hộ - yêu cầu Chính phủ Pakistan từ chức trong các cuộc biểu tình phản đối có sự tham gia của hàng nghìn người tại trung tâm thủ đô Islamabad. Mặc dù, theo quyết định của Chánh án Tòa án Tối cao Iftikhar Muhammad Chaudhry, lệnh bắt giữ không đồng nghĩa với việc thủ tướng phải từ chức ngay lập tức, nhưng như thế cũng đủ làm tổn hại uy tín của đảng Nhân dân Pakistan (PPP) cầm quyền của Tổng thống Asif Ali Zardari. Bởi ông Raja Pervez Ashraf (62 tuổi), được đảng PPP lựa chọn lên cầm quyền sau khi Thủ tướng Yousuf Raza Gillani bị Tòa án Tối cao bãi chức, hồi tháng 6-2012. 

Lực lượng cảnh sát Pakistan được huy động tối đa để bảo đảm ổn định ở thủ đô Islamabad.


Trong thời điểm này, chính quyền của Tổng thống Asif Ali Zardari đang phải đương đầu với không ít thách thức cả về đối nội lẫn đối ngoại. Sau khi kêu gọi hàng chục nghìn người biểu tình trong gần 2 ngày qua ở Pakistan, thủ lĩnh tôn giáo Tahir-ul Qadri, ngày 15-1, đã ra tối hậu thư đòi Chính phủ giải tán Quốc hội, dọn đường cho một chính quyền lâm thời. Sau 38 tiếng tuần hành từ thành phố Lahore, miền Đông Pakistan, thủ lĩnh của tổ chức tôn giáo có tên gọi "Minaj-ul-Quran" (con đường của Kinh Koran) là Tahir-ul Qadri (61 tuổi), đã phát biểu trước đám đông tại một quảng trường lớn ở thủ đô Islamabad kêu gọi mọi người cắm trại qua đêm để sau đó tiến về tòa nhà Quốc hội. Chính phủ Pakistan đã phải triển khai nhiều biện pháp an ninh xung quanh "khu vực Đỏ" gồm tòa nhà Quốc hội và các cơ quan công quyền quan trọng. Ngày 15-1, cảnh sát thủ đô đã phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông biểu tình ném đá vào cảnh sát trước tòa nhà Quốc hội. Các mạng điện thoại di động ở Islamabad bị buộc phải tạm ngừng dịch vụ trong bối cảnh có những lo ngại Taliban nhân cơ hội rối ren để phát động các cuộc tấn công...

Thủ lĩnh Tahir-ul Qadri là một học giả, nhà thuyết giáo Hồi giáo - về nước tháng 12-2012 sau 5 năm sống lưu vong tại Canada - đã chỉ trích Chính phủ Pakistan "mục ruỗng" vì nạn tham nhũng và thiếu năng lực điều hành đất nước; đồng thời yêu cầu chính quyền Islamabad phải thực thi các cải cách trước thềm cuộc tổng tuyển cử dự kiến tổ chức trong vòng 8 tuần kể từ sau khi Quốc hội giải tán. Chính giới đương nhiệm Pakistan cho rằng, Tahir-ul Qadri là một phần trong âm mưu gây cản trở cuộc bầu cử và thâu tóm quyền lực của các thế lực đối lập và những diễn biến trên chính trường thật sự là đòn giáng mạnh vào Chính phủ.

Trong khi đó, người dân quốc gia Nam Á đã và đang tỏ ra thất vọng với chính quyền Islamabad về bảo đảm an ninh cho người dân. Bằng chứng là vụ đánh bom, ngày 10-1, tại Quetta làm gần 90 người thiệt mạng và hơn 120 người bị thương đã gây phẫn nộ trong cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite ở Pakistan những ngày qua. Tại Baluchistan, hàng nghìn người Shiite xuống đường đòi giải tán chính quyền tỉnh trong khi gia đình những người thiệt mạng trong vụ khủng bố không chịu chôn cất thi thể người thân cho đến khi nhà chức trách triển khai quân đội giữ an ninh tại tỉnh này... Làn sóng biểu tình đã lan rộng cả nước cuối tuần qua. Tại các thành phố Lahore và Peshawar, hàng nghìn người đã tụ tập bên ngoài tòa nhà Thống đốc bày tỏ đoàn kết với những người biểu tình ở Quetta. Các cuộc biểu tình cũng đã diễn ra tại 11 thành phố khác trên khắp Pakistan, cả ở thủ đô Islamabad. Để làm dịu tình hình, Islamabad đã tuyên bố giải tán chính quyền tỉnh Baluchistan. Nhưng hành động này xem ra đã quá chậm trễ.

Rõ ràng, những thách thức chưa thôi đeo bám chính trường Pakistan. Dư luận khu vực lo ngại, "cơn sóng ngầm" sẽ đẩy quốc gia Nam Á này vào vòng xoáy bất ổn mới.

Trung Hiếu