Bên lề các giải bóng bàn phong trào (tiếp theo)

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:05, 17/01/2013

Chạy theo thành tích, phá phong trào

Có một giải, đội tòa báo nọ có cầu thủ nữ trẻ cứ thắng một điểm là chạy vòng quanh sàn đấu bên bàn mình và la hét rất to. Không những thế, cô ta còn nhìn trừng trừng và giơ thẳng tay chỉ một ngón về phía đối thủ - người đã hơn 40 tuổi, đáng tuổi mẹ cô ta hoặc chí ít cũng vào hàng cô, dì (vì thi đấu nội dung đồng đội nên không phân chia lứa tuổi). Khi thắng điểm, cầu thủ bóng bàn đỉnh cao thế giới cũng chỉ nắm chặt tay và gấp nhẹ cẳng tay vào ngực, miệng phát âm khe khẽ.

Chỉ tay về phía đối thủ bị Luật Bóng bàn cấm vì bị coi là hành vi phi thể thao và có nguy cơ bị phạt điểm. Cứ mỗi lần thắng điểm, cầu thủ này lại thực hiện đủ màn trình diễn trên làm nhiều khán giả lắc đầu. Phong cách thi đấu quá "nhiều lửa" lại thêm quần soọc cũn cỡn làm nhiều khán giả nghi ngờ cầu thủ này không phải là nhà báo mà là "ngoài luồng". Một khán giả thẳng thắn: Nhà báo gì mà thế!?

Cũng đội này, cứ sau mỗi điểm thắng là người đứng ngoài dinh rút ngay 50.000 đồng đưa ngay cho cầu thủ để thưởng. Hành động đưa tiền thưởng lố bịch trước mắt khán giả này thì quả là người viết chưa nhìn thấy bao giờ. Ngay sau giải đấu, có chuyện ì xèo về nhân sự, chắc là đến tai tòa báo nọ nên đến giải toàn quốc của ngành này họ không tham dự.

Các VĐV thi đấu tại Giải bóng bàn tranh cúp Báo Hànộimới lần thứ nhất - 2012. Ảnh: Huyền Linh


Nhân xin nói về bệnh "ngoài luồng"! Trước đây, để có thành tích văn nghệ, thể thao, làm đẹp cho "bề nổi" của cơ quan, ngành mình, nhiều nơi tìm cách tuyển dụng những người giỏi văn nghệ, thể thao dù người đó có yếu chuyên môn thậm chí không có năng lực, về cơ quan sắp xếp làm văn thư, bảo vệ. Một năm thi đấu giải ngành một lần, vài ba giải dưới cấp ngành hoặc giao hữu kiểu như "nuôi quân ba năm dụng một ngày". Những năm kinh tế khó khăn, thể thao quần chúng thoái trào thì bệnh này có giảm. Nay phong trào hồi phục thì "bệnh cũ tái phát" trầm trọng hơn. Có ngành ở một tỉnh nọ tuyển hẳn hai cầu thủ năng khiếu rồi cho đi học để thành những tuyển thủ hàng đầu quốc gia và ngay năm sau đó đã giành giải vô địch đồng đội nam, đơn nam lứa tuổi trẻ toàn ngành. Thế là nảy sinh bệnh chạy đua. Nhiều tỉnh thi nhau tuyển những cầu thủ nghiệp dư giỏi hay chuyên nghiệp đã hết tuổi phát triển tài năng và họ thay nhau soán ngôi ở giải toàn ngành. Đã có một cơ quan ở thành phố nọ tuyển đến ba cầu thủ cấp kiện tướng và một cầu thủ cấp I quốc gia… Có điều, những người này đương nhiên sẽ có lần "hết thời" thứ hai trong thể thao nghiệp dư và họ sẽ làm gì khi còn khá trẻ, ngoài đánh bóng ra họ không có chuyên môn gì! Lại phải cho họ học nghề theo hệ chuyên tu, tại chức. Cũng là đắp vẽ bề nổi, nhưng "ăn xổi" và nặng bệnh hơn là những ngành, cơ quan làm giả giấy tờ để thuê các cầu thủ giỏi thi đấu giải ngành. Vì thế, đã hình thành một "đội quân đánh thuê" theo mùa giải gồm các cầu thủ nghiệp dư có hạng hay chuyên nghiệp hết thời.

Có cầu thủ nữ người Nam Định bị khán giả thống kê một năm đánh đến bốn giải phong trào của bốn ngành. Ở Hà Nội, có cầu thủ khán giả nhẵn mặt vì đánh quá nhiều giải ngành khác nhau. Hay như giải doanh nghiệp Hải Phòng mở rộng có mời Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Hà Nội tham dự, nhưng những khán giả am tường thấy hầu như đủ mặt anh tài của các địa phương này và khoảng 2/3 các cây vợt dự giải chẳng làm việc ở doanh nghiệp nào cả. Đương nhiên, các cầu thủ phong trào thực sự phải "bó giáo quy hàng" vì đánh sao lại dân chuyên nghiệp hết thời hay nghiệp dư đỉnh cao? Thế nên không ít giải xảy ra chuyện kiện cáo, tẩy chay không thi đấu do vấn đề nhân sự. Bên "bị" viện đủ lý lẽ, giấy tờ đại loại như giấy chứng nhận ngành, thẻ ngành, quyết định thành lập đội bóng của cơ quan, của ngành. Bên "nguyên" không tin, lý rằng nếu không phải đánh thuê cứ kiểm tra sổ lương mới rõ… Có khi kết thúc giải, kiện cáo vẫn chưa ngã ngũ và giải sau tình trạng lại tái diễn.

Cần những "luồng gió" mới

Những giải thể thao phong trào là dịp vui của quần chúng. Để có được một hay vài ngày này thi đấu, chủ giải phải chi ra một khoản kinh phí không nhỏ cho công tác tập luyện, mua sắm vật tư đến tiền tàu xe, máy bay, ăn ở khi thi đấu, công tác phí, kinh phí thuê nhà thi đấu, tổ chức, trọng tài… Chưa kể đến những cầu thủ tham gia giải phải nghỉ việc để luyện tập và thi đấu.

Có một giải bóng bàn toàn ngành cũng là doanh nghiệp nhà nước lớn với hơn 200 cầu thủ dự giải nhưng tổng giám đốc chỉ cho đánh hai ngày thứ bảy và chủ nhật, xin mãi mới được thêm buổi chiều thứ sáu. Vì thế, mật độ thi đấu dày đặc nên cuối giải, nhiều cầu thủ thi đấu cho xong hay bỏ cuộc vì thể lực không chịu nổi. Khán giả bảo, đánh thế này thì chuyên nghiệp cũng "chết". Nhọc nhằn, tốn phí là thế nhưng nếu kết quả giải đấu không phản ánh đúng phong trào của cơ quan, của ngành thì có đáng không và mục đích đích thực là cổ suý cho phong trào luyện tập thể thao nâng cao sức khỏe cán bộ, công nhân viên không đạt được.

Nhân xin nói thêm là giải của thiếu niên, nhi đồng cũng vẫn những cảnh tượng y như giải người lớn. Nhưng nhìn vào những giải này thì mới thấy rằng chúng ta đã không "dạy con từ thuở còn thơ". Bố mẹ thì sính tài năng, thầy cô thì sính thành tích nhưng trẻ thì không biết những điều tối thiểu khi thi đấu. Không ít trẻ thiếu lễ phép với trọng tài đáng tuổi bố, tuổi ông chúng và bệnh "sao" đã lộ rõ dù tài năng chưa đáng kể gì. Hỏi ra mới biết rằng thầy, cô dạy chúng bóng bàn và đưa chúng đi thi đấu cũng không biết Luật Bóng bàn và đa số thiếu chuyện "Tiên học lễ, hậu học văn". Những đứa trẻ này nay mai nếu còn chơi bóng liệu có khác thế hệ đàn anh bây giờ!? Lo thế bởi rồi chúng sẽ thành những cầu thủ sinh viên đại học rồi thành trí thức, lại tụ tập cổ vũ phạm luật quanh dinh và lớn tiếng bảo trọng tài lắm chuyện khi bị mời lên khán đài!? Lâu nay, chúng ta không để tâm đến những chuyện tưởng như bé nhỏ này nên bây giờ đã thành bệnh mạn tính rất khó chữa. Không biết khi nào những giải đấu nghiệp dư không còn bóng dáng "nền văn hóa sới"!?

Những năm gần đây, một luồng gió mới thổi vào bóng bàn nghiệp dư, đó là những giải các câu lạc bộ như Giải Bóng bàn Cúp Báo Hànộimới, Giải Bóng bàn Đạm Phú Mỹ được các đơn vị là Tổng Công ty Phân bón và hóa chất dầu khí, Báo Hànộimới, Sở VH,TT&DL Hà Nội đứng ra tài trợ, tổ chức thi đấu, tạo sân chơi cho những người yêu thích bóng bàn mọi lứa tuổi và không phân biệt địa chỉ, nghề nghiệp. Mới là ở chỗ các cầu thủ thi đấu dưới màu cờ câu lạc bộ chứ không phải là đơn vị trong một ngành hay cấp hành chính, vì thế không có chuyện đắp vẽ bề nổi và đương nhiên chuyện nhân sự ì xèo tự nhiên biến mất. Thứ nữa, nội dung giải rất phong phú cho mọi lứa tuổi kể cả U70 nên vui lắm. Khỏi nói chất lượng vì đấu trường này tập hợp gần như đủ mặt những anh tài bóng bàn nghiệp dư hay nhất và những cây vợt tạm gọi là chuyên nghiệp sau khi đã ngưng thi đấu trong hệ thống giải quốc gia. Xuyên suốt giải là những trận đấu căng thẳng, kịch tính và nảy lửa. Trên khán đài, khán giả đến ùn ùn, như ở Giải Bóng bàn Cúp Báo Hànộimới, ở buổi chung kết, nhân viên Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức buộc phải không nhận trông xe vì hết chỗ. Nhiều khán giả đã hồ hởi rằng: "Phải lâu lắm rồi mới có giải bóng bàn sôi động như giải Hànộimới". Cũng vì thế, công tác thành lập Liên đoàn Bóng bàn Hà Nội càng được xúc tiến mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu ngày một lớn của người hâm mộ bóng bàn Thủ đô.

Nói không quá thì những giải này có một cái gì đó hấp dẫn hơn các giải chuyên nghiệp. Khán giả được những giờ phút mãn nhãn và để cổ súy cho phong trào luyện tập môn bóng bàn thì không gì hơn thế. Lại còn khẳng định được chất lượng bóng bàn nghiệp dư thực sự đã nâng thêm một bậc. Tuy nhiên, cần lắm "gạn đục, khơi trong" để có một góc bóng bàn đẹp.

Nguyễn Văn