Doanh nghiệp cần chủ động, nỗ lực hơn

Kinh tế - Ngày đăng : 07:26, 16/01/2013

(HNM) - Năm 2012, khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp gặp phải là vốn. Tuy nhiên, trong năm 2013 này, vốn không còn


Cần hỗ trợ giảm giá để tăng sức mua


Ở mặt hàng tiêu dùng, thị trường đã qua mùa Giáng sinh, Tết Dương lịch và hiện đã bước vào mùa mua sắm cho Tết Nguyên đán, nhưng sức mua trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn đang rất yếu và phần đông các doanh nghiệp đều dè dặt khi đưa ra dự đoán sức mua chỉ mong bằng năm trước. Còn các mặt hàng khác như: sắt, thép, xi măng, bất động sản… cũng không khá hơn, tồn kho vẫn ở mức cao và các doanh nghiệp rất khó khăn trong tiêu thụ. Trong khi đó, theo nghiên cứu vừa công bố của Công ty Nghiên cứu thị trường Taylor Nelson (TNS), nhiều người dân Việt Nam đang có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn (năm 2012 có 50% người dành 5%-10% thu nhập hằng tháng để tiết kiệm, trong khi đó con số tiết kiệm của năm 2011 chỉ là 5% thu nhập). Nghiên cứu cũng cho thấy, đa phần chi tiêu hiện nay là dành cho giáo dục (chiếm đến 47% tổng chi tiêu) nên TNS cho rằng thị trường bán lẻ trong nước chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.


Sức mua yếu khiến doanh nghiệp lao đao.


Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan bộc bạch, thị trường đang vô cùng khó khăn, bởi đã bước vào mùa mua sắm tết nhưng sức mua vẫn quá yếu. Theo ông Mười, năm 2013 sẽ vẫn khó khăn. Điều doanh nghiệp cần nhất là Chính phủ, nâng được tổng cầu của xã hội, kích thích được sức mua để doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, quay vòng sản xuất. Về việc tạo cầu, ông Văn Đức Mười cho rằng cần giảm thuế VAT để giảm giá trực tiếp cho sản phẩm. Ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc DNTN Bánh kẹo Á Châu (ACB Bakery) cũng cho rằng, Nhà nước nên bắt đầu bằng các chính sách miễn giảm trực tiếp giá bán cho người tiêu dùng, hỗ trợ kích cầu. Đồng ý với quan điểm phải giảm giá sản phẩm để kích thích sức mua của thị trường, TS Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho rằng, rất cần hành động quyết liệt và cụ thể trong năm 2013 để giảm giá các yếu tố đầu vào ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh như giá điện, xăng…

Doanh nghiệp vẫn giữ vai trò quyết định

Thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy, trong năm 2012 có khoảng 50.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Như vậy, chỉ trong vòng hai năm qua đã có tới gần 100.000 doanh nghiệp phá sản hoặc giải thể, tương đương 1/2 doanh nghiệp trong 20 năm qua, kể từ khi có Luật doanh nghiệp. GS.TS Đoàn Thị Hồng Vân (giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) cho rằng thị trường không chỉ kết nối người mua và người bán mà còn kết nối giữa các ngành khác nhau. Nhà nước cần tạo điều kiện mở thị trường đầu ra cho doanh nghiệp, tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp tham gia các chương trình liên kết ngành, liên kết vùng, mua bán trao đổi sản phẩm của nhau… để giải quyết hàng tồn kho, cùng nhau tồn tại và phát triển. Theo Th.S Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban chỉ đạo Tây Nam bộ), năm 2012 mặc dù lạm phát thấp hơn mức dự kiến, nhưng trong khi giá xăng, dầu, điện, nước, gas… cao làm tăng giá thành sản xuất thì mức tăng giá của nhóm hàng lương thực thực phẩm lại thấp nhất trong nhiều năm. Tình hình này làm thu nhập của nông dân giảm sút, ảnh hưởng đến sức mua của thị trường.

Một trong những tín hiệu vui cho doanh nghiệp là Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ vừa ban hành có nhiều giải pháp hỗ trợ đáng chú ý như gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản… Tuy nhiên, GS.TS Đoàn Thị Hồng Vân cho rằng, Nhà nước cũng chỉ đóng vai "bà đỡ" chứ không thể làm thay doanh nghiệp. Các giải pháp, chính sách tuy rất quan trọng nhưng chỉ có tác động hỗ trợ, sự chủ động của doanh nghiệp mới là yếu tố quyết định, vì vậy, bản thân mỗi doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tìm kiếm thị trường… để tồn tại và phát triển trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đặng Loan