Vấn đề là giải pháp quản lý

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:59, 16/01/2013

(HNM) - Mấy hôm nay, giới văn hóa - nghệ thuật xôn xao chuyện: Từ nay đến năm 2020, Nhà nước sẽ đầu tư 10.800 tỷ đồng cho việc xây mới, nâng cấp các rạp hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm.

Đây cũng là một nội dung trong đề án "Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa" của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã được Chính phủ phê duyệt. Điều này hứa hẹn sẽ giải quyết phần nào tình trạng "trắng" các công trình văn hóa ở những khu đô thị mới tại nhiều thành phố lớn. Ngay như Hà Nội, từ  năm 1954 đến nay, không có thêm nhiều nhà hát mới. Thế nhưng, những nhà hát này có kiến trúc như thế nào? Quản lý và vận hành ra sao?... là những câu hỏi lớn.

Có thêm nhà hát, rạp chiếu phim là hết sức cần thiết, bởi lẽ đây là những thiết chế văn hóa đặc biệt gắn với trình độ và nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của cộng đồng dân cư. Mỗi cộng đồng có nhu cầu riêng và nhu cầu ngày càng phát triển thì số lượng nhà hát, rạp chiếu phim… cũng cần phát triển tương ứng. Hiện nay, các công trình dân sinh, trong đó có các nhà chung cư mọc lên khắp nơi và không ít cư dân đô thị về đến nhà chỉ để… ngủ, bởi không biết đi đâu khi khu đô thị không có công trình sinh hoạt cộng đồng. Do vậy, việc quy hoạch và xây dựng các công trình thuộc thiết chế văn hóa là việc cần làm.

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, nhà hát rất thiếu nhưng cũng có nhiều nhà hát không được sử dụng hết công suất và đúng chức năng. Ví như Nhà hát Chèo Việt Nam chẳng hạn. Một công trình văn hóa đẹp ở vị trí đắc địa, qua bao nhiêu thời gian xây dựng với không ít sự cố phải sửa chữa, tôn tạo… Thế rồi số buổi sáng đèn mỗi năm vẫn chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Cũng có một thực tế đang diễn ra là không ít nhà hát, rạp chiếu phim đã phải dành một phần để làm "dịch vụ" để "bù chi"… Như vậy, vấn đề đặt ra là bên cạnh việc xây dựng nhà hát, nếu không quy hoạch lại các đơn vị nghệ thuật, không đổi mới hoạt động nghệ thuật thì… Câu hỏi của nhiều nghệ sĩ tâm huyết đặt ra như: Xây nhà hát lên lấy ai mà diễn? Diễn gì? Ai xem?… rất đáng để chúng ta suy nghĩ.

Thêm nữa là việc giải quyết vấn đề "kỹ thuật". Nhà hát, rạp chiếu phim… là những công trình kiến trúc mang tính văn hóa và tính khu biệt. Thậm chí mang tính biểu trưng của mỗi vùng đất, mỗi địa phương… Trong khi đó, hiện nay, các trường kiến trúc ở nước ta không có chuyên ngành đào tạo kiến trúc sư thiết kế nhà hát. Các trường nghệ thuật cũng không đào tạo những chuyên ngành đặc thù cho việc vận hành nhà hát như: âm thanh, ánh sáng... Như vậy, liệu có xảy ra tình trạng mỗi tỉnh, thành phố đều có những nhà hát, rạp chiếu phim có kiến trúc na ná nhau như một số cơ quan, công sở nhà nước mà chúng ta đã thấy trên khắp đất nước? Giới kiến trúc lo ngại điều này cũng không phải không có cơ sở!

Nhà hát, rạp chiếu phim hoạt động không đủ công suất, không đỏ đèn đều đặn do nhiều nguyên nhân chứ không phải vì Việt Nam có quá nhiều nhà hát, rạp chiếu phim. Tuy nhiên, mỗi đồng vốn là tiền thuế của người dân cần được đầu tư đúng chỗ để phát huy hiệu quả. Cũng phải thấy rằng, xây dựng các công trình văn hóa không phải chỉ để phục vụ nhu cầu giải trí đơn thuần mà còn góp phần vào việc phát triển kinh tế và giáo dục con người - nguồn nhân lực, động lực phát triển xã hội. Vấn đề là phải đưa ra được các giải pháp quản lý để phát huy giá trị các công trình văn hóa đó phục vụ đời sống xã hội. Đặc biệt là khi xây dựng các nhà hát, rạp chiếu phim mới cần có quy hoạch và tiến hành các bước thiết kế đầu tư, thẩm định rõ ràng, bảo đảm công năng cho công trình và mang đậm chất văn hóa.

Thế Phương