Vì ổn định của khu vực Tây Phi
Thế giới - Ngày đăng : 06:52, 16/01/2013
Lực lượng quân đội Pháp triển khai sứ mệnh gìn giữ sự ổn định tại Mali. |
Do đó, cuộc can thiệp quân sự của Pháp vào quốc gia Tây Phi đã nhận được ủng hộ mạnh mẽ của dư luận. Trong một cuộc họp kín khẩn cấp, ngày 14-1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua quyết định chấp thuận chiến dịch quân sự của Pháp tại Mali. Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cũng khẳng định chiến dịch quân sự của Pháp ở Mali là hợp pháp, trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Paris đang triển khai khoảng 500 binh sĩ tại Mali và cuộc can thiệp được Liên minh Châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ ủng hộ. Anh cung cấp hỗ trợ hậu cần bằng các máy bay vận tải; còn Đức, ngày 14-1, tuyên bố đang xem xét cách thức giúp Pháp trong sứ mệnh tại Mali về hậu cần, y tế hoặc cứu trợ nhân đạo. Thủ tướng Canada Stephen Harper (14-1) tuyên bố sẽ cử máy bay vận chuyển quân sự tới Mali để trợ giúp Pháp. Trước đó, ngày 20-12-2012, HĐBA LHQ đã nhất trí thông qua kế hoạch triển khai lực lượng can thiệp tới Mali nhằm giúp quân đội chính phủ giành lại phần lớn lãnh thổ đang bị phiến quân Hồi giáo kiểm soát...
Cuộc can thiệt nhanh chóng và quyết đoán của cộng đồng quốc tế với cuộc khủng hoảng tại Mali cho thấy sự cấp bách của vấn đề. Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng được xem là hệ lụy sau sự kiện Libya, khi phương Tây giúp phe đối lập lật đổ chế độ Muammar Gaddafi khiến hàng trăm chiến binh người Tuareg có vũ trang phải rời bỏ nhà cửa chạy sang Mali. Và, những người Tuareg vốn bị "ghẻ lạnh", bị phân biệt từ nhiều năm qua trong khu vực đã tập hợp tại Mali dưới ngọn cờ của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda tại khu vực Bắc Phi Hồi giáo (AQIM) và các chiến binh Hồi giáo địa phương. Cuộc 'hợp nhất" này đã đẩy Mali rơi vào hỗn loạn. Quân đội Mali đã mất quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ của quốc gia có diện tích lớn thứ 8 Lục địa đen. Một kịch bản rất xấu được dự báo nếu các lực lượng Hồi giáo cực đoan Mali liên kết với phiến quân Hồi giáo tại các nước trong khu vực như Nigieria và Somali - mối nguy không chỉ với Mali mà còn ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khác trong châu lục. Đây là lý do khiến cuộc khủng hoảng phải chấm dứt nhanh nhất có thể.
Theo tuyên bố của Tổng thống Pháp Francois Hollande, chiến dịch can thiệp quân sự mang tên "Mèo sa mạc", ngày 11-1, có phần bất ngờ với dư luận; song, không quá khó hiểu. Trước hết, tại Mali, Pháp có khoảng 6.000 kiều dân sinh sống và ngược lại cũng có một cộng đồng khoảng 100.000 kiều dân Mali sống tại Pháp. Thêm vào đó, hành động tại Mali, một mặt Paris muốn khẳng định vị thế với vùng đất từng là thuộc địa cũ; mặt khác cũng chứng tỏ Pháp không lùi bước trước cuộc chiến chống khủng bố và phổ biến các giá trị phương Tây cho dù đang rất khó khăn về kinh tế. Thế nên, quyết định của Tổng thống F.Hollande đã nhận được sự đồng thuận của nhiều nước. Ngay tại Pháp, chưa có đảng đối lập nào ra mặt phản đối hành động can thiệp quân sự của Pháp ở Mali.
Ngay trước khi "Mèo sa mạc" Pháp vồ mồi, lực lượng AQIM (nhánh Al Qaeda ở Bắc Phi) và đồng minh Ansar Dine, Mujao (phong trào độc tôn và thánh chiến ở Tây Phi) đã tấn công nhiều thành phố ở miền Nam Mali (8-1) khiến tình hình thêm rối ren. Nhờ các cuộc không kích của không lực Pháp, ngày 11-1, quân đội Mali đã tái chiếm thành phố Konna chủ chốt từ tay phiến quân, tiêu diệt khoảng 100 chiến binh Hồi giáo... Nhưng, với một nước Pháp ít khi phải chịu những mối đe dọa lớn về an ninh trong nhiều năm qua thì hành động can thiệp quân sự mới tại Mali - liên quan đến thế giới Hồi giáo - đã khiến không ít người dân lo lắng và thận trọng hơn khi ra khỏi nhà. Tuy nhiên, tạm gác những lo lắng thường nhật, tất cả vì sự ổn định của Mali và cả khu vực Tây Phi đang là mong mỏi không chỉ của đông đảo người dân Pháp, Mali mà còn của cả cộng đồng quốc tế. Vì thế, cuộc can thiệp quân sự quốc tế đầu tiên trong năm mới 2013 vào Mali do Pháp dẫn đầu đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cả thế giới.