Dành 2 tháng lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Luật Đất đai
Chính trị - Ngày đăng : 15:14, 15/01/2013
Tại phiên họp này, Chính phủ trình TVQH cho ý kiến về việc áp dụng bảng giá đất. Có 2 loại ý kiến được đưa ra. Thứ nhất: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành bảng giá đất để áp dụng cho tất cả các mục đích; không công bố bảng giá đất hàng năm mà chỉ điều chỉnh cục bộ khi giá đất có sự biến động tăng, giảm 20%, trường hợp chưa kịp điều chỉnh bảng giá đất thì xác định giá đất cụ thể để áp dụng. Thứ hai: Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và được công bố vào ngày 1-1 của năm đầu kỳ để làm căn cứ tính các loại thuế, phí, lệ phí và tính thu tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; các trường hợp còn lại như giao đất, cho thuê đất không theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì thực hiện việc xác định giá đất cụ thể tại thời điểm thực hiện.
Chưa thực sự yên tâm về cả 2 phương án đưa ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng khi đất đai là chủ sở hữu tòan dân thì Nhà nước phải chủ động trong quản lý thị trường này. Ông cũng bày tỏ băn khoăn nếu thực hiện như 2 phương án đề cập nêu trên, sẽ xảy ra hiện tượng Nhà nước chạy theo thị trường đất, cứ 60 ngày lại phải điều chỉnh một lần sẽ rất vất vả. Còn ở phương án 2, 5 năm mới thay đổi một lần thì lại quá lâu. Vì vậy, cần đưa ra phương án tối ưu hơn.
Về công chứng, chứng thực hợp đồng giao dịch các quyền của người sử dụng đất, hiện cũng có 2 luồng ý kiến. Một là thực hiện quy định các hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất như chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực; hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp được công chứng, chứng thực theo nhu cầu của các bên) nhằm đảm bảo an toàn cho các giao dịch, phòng ngừa các rủi ro. Loại ý kiến thứ hai nghiêng theo hướng công chứng, chứng thực các hợp đồng về giao dịch quyền sử dụng đất theo yêu cầu của các bên có liên quan.
Vấn đề lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi) cũng được đề cập tại phiên họp. Nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng Luật đất đai (sửa đổi) và nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng luật này, dự kiến từ ngày 1-2-2013 và kết thúc vào ngày 31-3-2013, việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được tổ chức rộng rãi trên cả nước. Người dân có thể góp ý vào toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).