Chị Phượng và tình yêu cốm Vòng
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:20, 15/01/2013
Chị cho biết: Cốm Vòng được làm theo công thức cổ truyền, đậm đà, dẻo thơm và giữ chất lượng, hương vị lâu hơn, khác hẳn với thứ cốm "hàng chợ" khác. Lúa làm cốm phải gặt từ lúc 3h sáng, mang về đãi rửa cho sạch hết rác, bụi rồi rang đạt đến độ "2 ráo 3 quằn" thì mới cho vào giã. Người làm cốm phải giã, sàng, sảy đủ 7 lần mỗi mẻ nên hạt cốm làng Vòng thật sự là những hạt ngọc được kết tinh từ đất trời và tâm huyết của người làm cốm. Từ năm 12 tuổi, người làm nghề cốm đã được học cách lựa chọn nguyên liệu từ những cánh đồng có chất lượng đất tốt, không bị sâu bệnh, khi trổ hoa không gặp gió mùa…
Được bảo đảm từ nguyên liệu, công nghệ và từ tình yêu nghề của người làng Vòng, cốm Vòng đã theo chân người Việt tới rất nhiều nước trên thế giới, trở thành món quà quý của quê hương. Đã ăn cốm Vòng chính hiệu, người tiêu dùng không thể chấp nhận thứ hàng làm xổi của người học tắt, làm dối. Lâu nay, người làng Vòng rất bất bình với những người làm cốm theo kiểu "hàng chợ", nhuộm phẩm màu làm mất thanh danh của sản vật quý này. Là chủ doanh nghiệp, chị Phượng luôn cố gắng sắp xếp công việc, dành thời gian trực tiếp bán cốm để giúp khách hàng hiểu thêm về giá trị của cốm Vòng.
Là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ cụm 16, phường Dịch Vọng Hậu, chị Phượng cùng chị em hội viên phối hợp cùng các chi hội khác trên toàn phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động mọi nhà có nghề tuân thủ nghiêm ngặt quy trình làm gốm được ông bà truyền dạy, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Vừa tuyên truyền, bảo đảm chất lượng sản phẩm, chị vừa đẩy mạnh công tác quảng bá.
Nhiều năm liền, chị Phượng được bình bầu là Người tốt việc tốt, Chi hội trưởng phụ nữ giỏi. Nhưng hơn hết, người làm cốm Vòng và khách hàng luôn nhớ chị Phượng vì sự tận tâm, hết lòng tôn vinh, bảo vệ một sản phẩm tinh tế của đất và người Hà Nội.