Học sinh nghỉ học khi trời rét: Linh hoạt theo điều kiện thực tế

Giáo dục - Ngày đăng : 06:09, 15/01/2013

(HNM) - Trước những thông tin đa chiều xung quanh bản tin thời tiết lúc 6h15 trên VTV, căn cứ để quyết định việc nghỉ học trong những ngày trời rét của học sinh Hà Nội, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống về vấn đề này.


- Thưa ông, việc quyết định cho HS nghỉ học trong những ngày trời rét đậm, rét hại được hướng dẫn triển khai như thế nào tới các đơn vị trường học thời gian qua?


- Để có căn cứ cụ thể, thống nhất trên toàn địa bàn thành phố, Sở GD-ĐT đã thống nhất với Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) về việc thông báo nhiệt độ ngoài trời khu vực Hà Nội trong những ngày rét đậm, rét hại. Các trưởng phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã và thủ trưởng trường trực thuộc có trách nhiệm theo dõi bản tin thời tiết phát sóng lúc 6h15 trong chương trình "Chào buổi sáng" của Đài THVN để chủ động có kế hoạch cho HS nghỉ học. Theo quy định của Sở, các đơn vị được phép quyết định cho HS mầm non, tiểu học nghỉ học khi trời lạnh dưới 10 độ C; HS THCS nghỉ học khi nhiệt độ dưới 7 độ C. Quy định cho HS nghỉ học khi trời rét là nhằm bảo đảm sức khỏe cho các em, nhất là với HS ở các huyện, đồng thời giúp các đơn vị thuận tiện và chủ động hơn trong việc triển khai. Kết quả kiểm tra của các phòng chuyên môn và phản ánh từ các nhà trường cho thấy, hầu hết phụ huynh HS đã nắm được thông báo của Sở nên đã chủ động cho con nghỉ học ở nhà. Tuy nhiên, do đặc thù cấp học và điều kiện cụ thể của từng địa bàn, trong hai ngày nghỉ do trời rét dưới 10 độ C, tỷ lệ HS đi học ở mỗi cấp học, mỗi địa bàn có sự khác nhau. Trong khi hầu hết HS tiểu học đều nghỉ học thì tỷ lệ HS mẫu giáo đến trường nhiều nơi vẫn chiếm tới 40-50% như ở các quận, huyện Thanh Oai, Thanh Xuân... còn ở quận Hai Bà Trưng thì chỉ chưa đến 3%. 

Học sinh các trường tiểu học, mầm non sẽ được nghỉ học khi nhiệt độ dưới 10oC.


- Trước những thông tin xung quanh bản tin thời tiết của VTV, quan điểm của Sở GD-ĐT Hà Nội thế nào để định hướng cho phụ huynh, thưa ông?

- Phải nói rõ rằng, đây không phải lần đầu tiên Sở GD-ĐT phối hợp với Đài THVN về việc thông báo nhiệt độ ngoài trời để làm căn cứ cho HS nghỉ học. Từ năm 2008, khi có đợt rét đậm kỷ lục kéo dài, hai bên đã triển khai việc này. VTV là đài truyền hình quốc gia, có khả năng phủ sóng rộng ở mọi địa bàn, bản tin thời tiết vào lúc 6h15 sáng của VTV từ lâu đã được người dân biết đến. Vì vậy, chúng tôi tin tưởng vào thông tin của VTV. Còn việc nguồn tin của VTV lấy từ đâu để bảo đảm độ tin cậy, theo tôi là trách nhiệm của Đài THVN.

Như trên tôi đã nói, căn cứ để HS nghỉ học là bản tin thời tiết song quyết định có cho HS nghỉ học hay không dựa vào điều kiện thực tế từng nơi. Sở cũng cho phép các đơn vị điều chỉnh thời gian học cho hợp lý để bảo đảm sức khỏe HS và kế hoạch thời gian năm học. Ví dụ, các trường ở nội thành, phòng học ấm áp, đầy đủ tiện nghi thì vẫn có thể tổ chức học, còn những trường còn khó khăn, nhiều HS phải tự đi học thì phòng GD-ĐT được quyền cho phép nghỉ. Vì vậy, tỷ lệ HS đi học trong những ngày trời rét vừa qua có sự chênh lệch giữa các vùng.

- Ông có ý kiến thế nào khi có người cho rằng việc lấy bản tin thời tiết trên VTV của Sở GD-ĐT làm căn cứ để cho HS nghỉ học là có ý đồ vụ lợi?

- Tôi khẳng định, việc phối hợp giữa Sở GD-ĐT Hà Nội và VTV là hoàn toàn minh bạch, không vụ lợi với mục tiêu trên hết là bảo đảm sức khỏe cho HS. Việc có căn cứ để thông tin, làm cơ sở hướng dẫn, cơ sở triển khai áp dụng thống nhất là cần thiết. Song đây không phải là quy định cứng mà có thể linh hoạt. Nếu phụ huynh không thể theo dõi được bản tin trên VTV mà phải dùng nhắn tin để có thông tin thì đó là việc của phụ huynh. Về phía ngành giáo dục, các nhà trường cũng đã có rất nhiều cách để thông tin tới phụ huynh về quyết định nghỉ học của đơn vị như thông báo ở cổng trường, giao cho giáo viên chủ nhiệm liên lạc với từng phụ huynh; ban đại diện cha mẹ HS thông báo cho phụ huynh trong lớp...

- Xin cảm ơn ông!

Hồng Hạnh