17.000 doanh nghiệp xây dựng và bất động sản thua lỗ
Kinh tế - Ngày đăng : 14:10, 14/01/2013
Bên cạnh đó, tổng số các doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh bất động sản phải dừng hoạt động hoặc giải thể lên đến 2.637 doanh nghiệp (năm 2011 là 2.411 doanh nghiệp); trong đó có 2.110 doanh nghiệp xây dựng, 527 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. So với năm 2011, tỷ lệ doanh nghiệp xây dựng dừng hoạt động, giải thể tăng 6,2%, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tăng 24,1%.
Doanh nghiệp lao đao kéo theo nhiều hệ lụy...
Nhìn chung, trong năm 2012, mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn, lạm phát được kiềm chế, lãi suất cho vay đã giảm đáng kể so với cuối năm 2011, nhưng các doanh nghiệp ngành xây dựng phải đối mặt với những khó khăn thách thức lớn. Đó là thị trường bất động sản – thị trường có sức lan tỏa, tác động mạnh đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp ngành xây dựng (xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng, tư vấn xây dựng,...) tiếp tục trầm lắng; các doanh nghiệp thiếu vốn nghiêm trọng cho sản xuất và đầu tư phát triển nhưng không đủ chuẩn để có thể tiếp cận tín dụng, lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, nhiều doanh nghiệp không dám vay.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thực sự gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế, phải vay vốn từ ngân hàng hoặc dựa vào nguồn vốn huy động từ khách hàng để triển khai dự án, khi thị trường trầm lắng sẽ bị thua lỗ, không có khả năng trả nợ ngân hàng. Thị trường bất động sản đóng băng không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của ngân hàng, gây đình trệ sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, doanh nghiệp xây lắp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng trang trí nội thất...
Theo đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng hoạt động cầm chừng, không phát huy hết công suất của các nhà máy, sản lượng sản xuất và tiêu thụ đạt thấp, lượng tồn kho lớn, kinh doanh không hiệu quả. Một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ, phá sản, không tự cân đối được nguồn trả nợ các khoản đã vay để đầu tư.
Hơn nữa, các doanh nghiệp xây dựng tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm mới cũng như trong thực hiện các công trình dở dang, do việc thu xếp vốn của chủ đầu tư tại hầu hết các công trình đều không kịp thời, không đủ vốn nên giá trị dở dang, công nợ của doanh nghiệp tại các công trình rất lớn. Việc thiếu vốn và nợ đọng tại các công trình không những làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng mà còn ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người lao động.
Để khắc phục tình trạng khó khăn trên, trong năm 2013, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các Tổng công ty hoàn thành cổ phần hóa theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phê duyệt Đề án tái cơ cấu 13 Tổng công ty thuộc Bộ và Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam; Hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu các DNNN ngành xây dựng, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý.
Các Tổng công ty, DNNN thuộc Bộ tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển; tái cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp; tái cơ cấu tổ chức, đổi mới quản trị doanh nghiệp.
Sẽ công bố tiêu chí dự án BĐS được triển khai hoặc tạm dừng
Về chính sách chung để đẩy mạnh sự phát triển của thị trường bất động sản trong năm 2013, Bộ Xây dựng cho biết sẽ thực hiện nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản; xây dựng Đề án Chiến lược phát triển thị trường bất động sản; nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị về tăng cường thực hiện Quy chế quản lý công sở của các cơ quan hành chính nhà nước.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thị trường bất động sản theo hướng tăng cường công tác quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương; kiểm soát có hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị, nhà ở, bất động sản, bảo đảm cung cầu, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và nhu cầu của thị trường
Đáng chú ý, Bộ sẽ tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; thực hiện có hiệu quả các Chương trình phát triển nhà ở quốc gia; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội phục vụ 8 nhóm đối tượng đã nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Hoàn thành Chương trình nhà ở Đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2); Chương trình thí điểm, hỗ trợ xây dựng chòi tránh lũ lụt tại các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung để tổng kết và triển khai đại trà. Tiếp tục triển khai Chương trình 167 giai đoạn 2 và Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng.
Mặt khác, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng hệ thống thông tin; xác định các chỉ tiêu đánh giá thị trường bất động sản làm căn cứ hình thành giá cả bất động sản chuẩn cho người mua, chủ đầu tư và nhà quản lý. Tập trung triển khai thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; rà soát các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, đánh giá phân loại và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp, trong đó quy định rõ tiêu chí, danh mục các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án tạm dừng triển khai.