Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở giỏi nghiệp vụ, thạo kỹ năng
Xã hội - Ngày đăng : 06:54, 14/01/2013
Hà Nội tiếp tục củng cố và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu công việc. Ảnh: Bảo Kha |
25% cán bộ công chức chưa được đào tạo về chuyên môn
Hà Nội là một trong những đơn vị sớm xây dựng được bộ tiêu chuẩn về chức danh cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn, đồng thời cũng sớm có chính sách khuyến khích, thu hút sinh viên về làm việc tại khu vực này cùng với đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ tại chỗ. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn khoảng 25% CBCC cấp phường, xã, thị trấn chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ. Đơn cử trong 236 ủy viên BCH đảng bộ của 20 xã, thị trấn thuộc huyện Hoài Đức, mới có 18,6% trình độ ĐH; 42,3% trình độ CĐ, trung cấp. Bên cạnh đó, tuổi bình quân của cán bộ ở nhiều xã quá cao (trên 50 tuổi), cho thấy công tác quy hoạch, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ chưa được chú trọng. Thống kê trong 18.470 cán bộ xã, phường, thị trấn của Hà Nội, số cán bộ trẻ chỉ chiếm 3,6%; cán bộ trẻ tham gia HĐND cấp xã, phường nhiệm kỳ 2011-2016 chiếm 14,81%.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách dành cho cán bộ cơ sở còn nhiều bất cập. Một bộ phận cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, chưa hết lòng vì công việc. Điều này thể hiện rõ trong giai đoạn đầu triển khai xây dựng nông thôn mới. Một số địa phương (kể cả xã được thành phố chọn làm điểm) ngại khó, thay vì chủ động triển khai nhiệm vụ lại trông chờ trung ương, thành phố và huyện "cầm tay chỉ việc". Trên một số lĩnh vực như quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng, do thiếu kiến thức pháp luật và kiến thức quản lý, cán bộ cơ sở rất lúng túng khi xử lý các tình huống thực tế; một bộ phận thiếu trách nhiệm, để xảy ra vi phạm. Tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), chủ tịch và phó chủ tịch UBND phường bị xem xét, xử lý vì né tránh trách nhiệm, ngại va chạm trong xử lý vi phạm về trật tự xây dựng. Ở huyện Phú Xuyên, năm 2012 cũng có một chủ tịch UBND xã mắc sai phạm bị khởi tố…
Chú trọng đào tạo kỹ năng
Chất lượng đội ngũ CBCC, chính sách cán bộ còn nhiều bất cập đang là trở ngại đối với việc tiếp tục đổi mới hoàn thiện hệ thống chính trị cơ sở hiện nay. Nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa đội ngũ CBCC cơ sở là yêu cầu bắt buộc để Hà Nội phát triển. Vì vậy, hai năm qua, các cấp, các ngành đã và đang nỗ lực để hiện thực hóa mục tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố (khóa XV): Đến năm 2015, 100% cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 100% cán bộ chủ chốt cấp phường, thị trấn và trên 80% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ ĐH.
Tiếp tục xác định công tác cán bộ là khâu đột phá, Đảng bộ TP Hà Nội đã tập trung đào tạo các lớp cán bộ nguồn; khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ cơ sở học tập nâng cao trình độ; gắn quy hoạch với đào tạo, bố trí cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Đến nay, 29/29 quận, huyện, thị ủy rà soát, bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2010-2015, trong đó đã quy hoạch cán bộ xã, phường, thị trấn đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Thành phố đã khai giảng 3 lớp nguồn cán bộ làm công tác tổ chức, tuyên giáo, kiểm tra Đảng (gần 300 học viên); tuyển sinh 2 lớp nguồn cán bộ làm công tác dân vận, văn phòng cấp ủy và sắp tới tổ chức lớp nguồn cán bộ chủ chốt làm công tác Đảng ở cấp xã, phường, thị trấn. Như vậy, sẽ có khoảng 1.000 cán bộ nguồn được đào tạo bài bản sau đó đưa về cơ sở, bổ sung nguồn cán bộ cho các cấp.
Ngoài những chương trình đào tạo của Thành ủy, căn cứ thực trạng đội ngũ cán bộ cơ sở, các quận, huyện, thị ủy đã chủ động lên kế hoạch bổ khuyết. Khắc phục tình trạng một số cán bộ phường còn thiếu kiến thức về luật pháp, lãnh đạo, quản lý và kỹ năng xử lý tình huống, giao tiếp với dân, Quận ủy Tây Hồ đã tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên về lĩnh vực này. Quận ủy Hà Đông và Huyện ủy Đan Phượng đã tổ chức lớp nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Các quận, huyện khác đều có kế hoạch đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Với sự chuẩn bị này, Hà Nội sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở đạt chuẩn về trình độ, giỏi nghiệp vụ, thạo chuyên môn. Tuy nhiên, mục tiêu đạt chuẩn rất dễ làm nảy sinh tình trạng chạy theo số lượng, hợp thức hóa bằng cấp. Do vậy, các cấp ủy cần giám sát việc cử đi học, bồi dưỡng đúng đối tượng, nhu cầu, chuyên ngành cần đào tạo, cân đối giữa đào tạo với sử dụng. Cùng với sự nỗ lực của các địa phương, cần đổi mới chế độ, chính sách về tiền lương và bảo hiểm để cán bộ cơ sở yên tâm gắn bó, tận tụy với công việc.