Cuộc hội ngộ của những người con Trung đoàn Thủ đô
Chính trị - Ngày đăng : 08:20, 13/01/2013
Một thời hào hùng
Sau năm 1975, Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, Đại tá Nguyễn Sĩ Trinh trực tiếp liên lạc với 20 đồng đội khác đang làm nhiệm vụ giải phóng, tiếp quản miền Nam hình thành Ban liên lạc CCB Trung đoàn Thủ đô tại TP Hồ Chí Minh. Đến nay, những chàng trai, cô gái Hà Nội ngày ấy đều bước qua tuổi 80. Dù mái tóc đã bạc trắng nhưng tất cả họ vẫn hồi hộp chờ ngày truyền thống 6-1 hằng năm để được gặp mặt nhau, cùng nhau nhắc lại lời thề sống chết bảo vệ Thủ đô và hồi ức về một thời oanh liệt, vượt lên mọi thử thách bom đạn, gian khổ, hy sinh giành độc lập cho Tổ quốc.
Các cựu binh Trung đoàn Thủ đô tại TP Hồ Chí Minh. |
Là người gắn bó với trung đoàn từ ngày đầu thành lập đến ngày trở về giải phóng, tiếp quản Thủ đô, đồng thời là người biên soạn cuốn tài liệu "Dấu ấn 65 năm Trung đoàn Thủ đô" cho các cựu binh tại TP Hồ Chí Minh, Đại tá Nguyễn Sĩ Trinh bồi hồi: "Ngày 19-12-1946, khi pháo lệnh từ pháo đài Láng vang lên, hàng nghìn người dân Hà Nội đã tham gia cuộc chiến bảo vệ Thủ đô với lời thề: Sống chết với Thủ đô. Trong thời điểm đó, giữa cuộc chiến kéo dài hai tháng tại Hà Nội mở đầu Toàn quốc kháng chiến, trung đoàn được thành lập ngày 7-1-1947, trên cơ sở Tiểu đoàn 301 cùng các đơn vị Vệ quốc đoàn và Tự vệ chiến đấu Liên khu 1 gồm khoảng 2.000 người…".
Theo lịch sử ghi lại, tên gọi ban đầu là Trung đoàn Liên khu I. Ngày 12-1-1947, Hội nghị quân sự toàn quốc quyết định tặng Trung đoàn Liên khu I danh hiệu Trung đoàn Thủ đô. Ngày 17-2-1947, sau 2 tháng chiến đấu cầm chân quân Pháp tại Hà Nội, bảo vệ hàng chục nghìn người dân tản cư an toàn, trung đoàn đã thực hiện thành công cuộc rút lui chiến lược ra khỏi vòng vây của quân Pháp cùng với một bộ phận nhân dân Liên khu 1.
Nhớ lại những tháng năm hoạt động, Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, chiến sĩ cảm tử quân 85 tuổi đời, 65 tuổi Đảng, bồi hồi kể: "Tôi còn nhớ như in 60 ngày cùng trung đoàn bảo vệ Hà Nội, giam chân địch trong lòng thành phố. Ngày 17-2-1947 sau khi trung đoàn rút khỏi Hà Nội để bổ sung lực lượng, chuẩn bị chiến dịch Việt Bắc, tôi được phân công ở lại hoạt động bí mật. Gian khổ lắm, oai hùng lắm. Đến năm 1948, tôi bị giặc bắt giam tại Hỏa Lò, sau đó chúng xử chung thân, đày ra Côn Đảo. Mãi đến 1954 mới được quay về Thủ đô. Đến năm 1965 tôi tiếp tục đi chiến trường B vào giải phóng Sài Gòn và ở lại làm nhiệm vụ".
Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi xúc động trước tinh thần chiến đấu anh dũng của Trung đoàn Thủ đô đã sáng tác bài hát "Người Hà Nội" nổi tiếng. Báo Cứu quốc Mặt trận Hà Nội số Xuân 1947 có đăng bài hát này và được các chiến sĩ giao liên vượt vòng vây dày đặc của địch mang đến anh em bộ đội của trung đoàn...
Ấm áp nghĩa tình đồng đội
Hội trường giao lưu trở nên ấm áp hơn, hào khí năm xưa cuồn cuộn trở lại khi khoảnh khắc ngày trở về tiếp quản Thủ đô sống lại trong các tiết mục văn nghệ với "Hò kéo pháo", "Người Hà Nội"... Những nữ văn công ngày đó như bà Dương Thị Nhung, bà Nguyễn Kim Nga đã từng nhảy điệu múa sạp ở Hồ Gươm và Nhà hát TP mừng ngày trở về hồi ấy, hôm nay cũng có mặt với các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô giữa TP Hồ Chí Minh. Bà Nhung còn đem hơn 20 bức hình chụp cảnh giao lưu giữa đội văn nghệ và lính trung đoàn ngày về tiếp quản Thủ đô đến chia sẻ với mọi người. Những bức ảnh lịch sử thật quý giá biết bao.
Đại tá Nguyễn Văn Lâm, Trưởng ban liên lạc CCB Trung đoàn Thủ đô tại TP Hồ Chí Minh cho biết: "CCB Trung đoàn Thủ đô đều là những cán bộ chủ chốt của lực lượng cách mạng, trải qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Chúng tôi duy trì ngày truyền thống tại TP Hồ Chí Minh và luôn giữ liên lạc với Ban liên lạc CCB Trung đoàn Thủ đô tại Hà Nội do Đại tá Nguyễn Trọng Hàm làm Trưởng ban. Hằng năm, đại diện CCB của trung đoàn tại TP Hồ Chí Minh đều ra Hà Nội dự lễ kỷ niệm giải phóng Thủ đô. Ngoài ra, ban liên lạc còn kết nạp các đồng chí thế hệ sau để tiếp nối truyền thống của trung đoàn ".
Buổi họp mặt càng xúc động khi lần đầu tiên các cựu binh cất lên bài hát chính thức của Trung đoàn Thủ đô với tên gọi "Tự hào Trung đoàn Thủ đô" mới sáng tác trước đó hai ngày. Đây là tâm nguyện của các cựu binh tại TP Hồ Chí Minh muốn có một bài hát truyền thống nhân kỷ niệm 65 năm thành lập, nhưng mãi một năm sau mới hoàn thành. Cả hội trường lặng đi khi nghe ca sĩ Minh Tuấn cất vang lời ca hào hùng: "Trung đoàn Thủ đô đoàn kết cùng đấu tranh. Qua bao gian khổ giữ vững niềm tin. Lời Bác dạy vang mãi: "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Việt Nam ơi, ta tự hào viết tiếp truyền thống cha anh. Sáu mươi ngày đêm Hà Nội vang danh lẫy lừng. Chiến dịch sông Thao, sông Lô ồ Việt Bắc. Lê Hồng Phong, trận Đông Khê chiến thắng Phố Lu. Đập tan quân thù chiến dịch biên giới huy hoàng".
Và giọng ca đến điệp khúc "Hôm nay đây ta ngồi lại bên nhau. Trung đoàn Thủ đô ai còn ai mất. Việt Bắc, Thái Nguyên, Lào Cai, Lai Châu, Hà Đông, Hà Nam. Ơi những người đồng đội đã hy sinh cho màu xanh quê hương, cho mùa xuân yêu thương, cho nụ cười em thơ. Ơi người chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô..", nước mắt đã giàn giụa trên gò má những cựu chiến binh.