Phí ơi là phí!

Đời sống - Ngày đăng : 06:52, 12/01/2013

(HNM) - Những ồn ào liên quan đến thu phí bảo trì đường bộ vừa tạm lắng, người dân lại đang xôn xao về việc từ ngày 1-3 tới, nhiều loại phí mới tiếp tục được triển khai thực hiện trong khi nhiều doanh nghiệp và người dân đang phải thắt chặt chi tiêu…

Hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cho các phường, xã, thị trấn tổ chức thu phí đường bộ của người dân trên địa bàn. Ảnh: Phương An


Phí chồng phí?

Sau 6 tháng lùi thời gian thực hiện, cuối cùng ngày 1-1 vừa qua Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức thu phí bảo trì đường bộ. Như vậy, bên cạnh các loại phí cơ bản nhất như trước bạ, đăng ký cấp biển số, xăng dầu, kiểm định, bảo hiểm, các chủ xe ô tô sẽ phải đóng thêm phí bảo trì đường bộ với mức thấp nhất là 130 nghìn đồng/tháng, cao nhất là 1 triệu đồng/tháng.

Điều đáng nói là, cùng với thời điểm thu phí bảo trì đường bộ có hiệu lực, Bộ Giao thông Vận tải cũng quyết định xóa, dừng thu phí sử dụng đường bộ tại 17 trạm tại các tuyến quốc lộ trên toàn quốc. Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, việc dừng các trạm thu phí này nhằm tránh tình trạng phí chồng phí khi phí bảo trì đường bộ chính thức được thi hành. Tuy nhiên, đối với các chủ doanh nghiệp, cá nhân chạy xe đường dài liên tỉnh, việc dừng 17 trạm thu phí vẫn không thể khắc phục tình trạng trên. Anh Nguyễn Văn Dũng (ở Yên Phụ, quận Tây Hồ), một lái xe chạy đường dài lâu năm chia sẻ: Tôi đi nhiều thì thấy cả nước phải có đến ngót nghét 100 trạm thu phí, hầu như địa phương nào cũng có cả, nên việc dừng 17 trạm thu phí thực chất cũng chẳng giảm bớt chi phí cho nhà xe bao nhiêu so với phí bảo trì cầu đường phải đóng. Hơn nữa, vẫn còn tới 2/3 trạm thu phí đang hoạt động, chúng tôi vẫn phải mua vé khi phương tiện lưu thông, giờ lại thêm phí bảo trì, quy định thì phải thực hiện thôi chứ chẳng biết khi nào mới hết tình trạng này? Còn với những người chạy xe quanh quanh trong khu vực Hà Nội, việc dừng 17 trạm thu phí chẳng mấy tác động tới họ bởi điểm thu phí gần nhất trong danh sách cũng tít tận trạm cầu Trung Hà trên quốc lộ 32. Trong khi đó, việc đóng phí bảo trì vẫn phải làm bởi đến tháng 6 tới các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra gắt gao việc thực hiện, nếu các chủ phương tiện chưa đóng sẽ phải chịu phạt rất cao.

Cùng với ô tô, xe máy cũng là đối tượng phải chịu phí bảo trì đường bộ. Theo Thông tư 197/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện thì mức phí đối với xe máy sẽ do HĐND các tỉnh, thành phố xem xét, quyết định vào kỳ họp gần nhất dựa trên khung giá quy định. Tại Hà Nội, kỳ họp cuối năm vừa qua, HĐND TP chưa xem xét nội dung này. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn cho các phường, xã, thị trấn tổ chức thu phí trên từng đầu xe của các hộ dân thuộc địa bàn. Theo mức phí mà Bộ Tài chính đưa ra, phí cả năm dự kiến đối với xe máy sẽ từ 50 đến 100 nghìn đồng đối với xe có dung tích dưới 100cm3; loại có dung tích trên 100cm3 có mức từ trên 100 đến 150 nghìn đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về giao thông vận tải, hiện một chiếc xe máy đã phải "gánh" nhiều loại phí như trước bạ, tiêu thụ đặc biệt, xăng dầu và cầu đường.

Phí "được mùa"?

Chưa hết nỗi lo "phí chồng phí" trong lĩnh vực giao thông, người lao động, đặc biệt là người cao tuổi, hưu trí lại có thêm mối quan ngại khác khi các ngân hàng sẽ thu phí giao dịch ATM nội mạng từ 1-3-2013, theo đó, mức thu phí tối đa là 1.000 đồng/giao dịch. Ngoài ra, các ngân hàng còn thu phí chuyển khoản với mức tối đa 15.000 đồng/giao dịch. Đối với nhiều người về hưu, tiền trong tài khoản ATM tuy chẳng là bao nhưng lại là khoản để dành, khi có việc mới rút, mỗi lần giao dịch phải chịu phí càng thêm chán nản. Còn với những người thu nhập thấp, việc thu phí chắc chắn sẽ là gánh nặng thêm…

Tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội và HĐND TP, nhiều cử tri Hà Nội bày tỏ, các cơ quan chức năng cần tập trung cải thiện nâng cao chất lượng phục vụ song song với việc thu phí của người dân. Có như vậy chính sách mới đi vào cuộc sống và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. 

Đà Đông