Góc nhìn pháp luật: Khó vì “chung chung”

Đời sống - Ngày đăng : 06:46, 12/01/2013

(HNM) - Là văn bản pháp luật cao nhất trong lĩnh vực công chứng, Luật Công chứng có hiệu lực ngày 1-7-2007 đánh dấu sự xã hội hóa trong lĩnh vực công chứng ở nước ta. Tuy nhiên, sau gần 5 năm triển khai, luật đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, không phù hợp với thực tiễn.

Trước hết, đó là những quy định "chung chung" rất khó thực hiện đồng bộ khi áp dụng. Chẳng hạn về trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, luật có quy định về "Bản sao giấy tờ tùy thân" và "Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có". Có thể hiểu, đây là quy định mở nhằm trao quyền chủ động cho công chứng viên khi yêu cầu người đến công chứng đưa ra các căn cứ chứng minh tính hợp pháp, tính xác thực của các hợp đồng, giao dịch. Song do luật không quy định chi tiết và các văn bản hướng dẫn cũng không đề cập cụ thể nên tùy theo hoàn cảnh, mỗi công chứng viên áp dụng một cách khác nhau. Hay trong quy định về địa điểm công chứng, luật có quy định các trường hợp là người già yếu không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng thì công chứng viên có thể đến tận nơi. Tuy nhiên, vin vào quy định "có lý do chính đáng khác", không ít tổ chức hành nghề công chứng đã lợi dụng để thực hiện công chứng ngoài trụ sở, gây khó khăn trong công tác quản lý.

Cũng cần kể tới việc thiếu đồng bộ trong ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công chứng hiện nay. Đơn cử, Luật Đất đai 2003 quy định một số hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của "công chứng nhà nước" hoặc lựa chọn "công chứng nhà nước", vì vậy một số cá nhân, tổ chức không công nhận hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất do công chứng viên của văn phòng công chứng chứng nhận. Trong khi đó, Luật Công chứng tuy ra đời sau nhưng lại không bãi bỏ điều trên hay khẳng định thống nhất quy định này, nên việc áp dụng đôi lúc bị tùy tiện…

Theo dự kiến, việc sửa đổi Luật Công chứng sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10-2013. Những bất cập nêu trên sẽ được xem xét thấu đáo, để công chứng thực sự là một hoạt động bổ trợ tư pháp và là công cụ đắc lực phục vụ quản lý nhà nước.

Đà Đông