Đền thờ Nguyễn Trãi ở Khuyến Lương

Xã hội - Ngày đăng : 09:23, 11/05/2004

Nguyễn Trãi (1380 - 1442) người làng Nhụy Khê (thường gọi Nhị Khê), huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam. Sinh ra ở vùng quê văn hiến, nằm liền kề cửa ngõ phía Đông Nam của kinh thành, ông gắn bó với Thăng Long. Khi giặc Minh sang xâm lược, từ Thăng Long, Nguyễn Trãi đã tìm vào Lam Sơn, dâng Lê Lợi Bình Ngô sách. Cuối năm 1427, Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi đóng đại bản doanh tại làng Đông Phù Liệt, xã Đông Mỹ và làng Việt Yên, xã Ngũ Hiệp (đều thuộc huyện Thanh Trì) để chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn bao vây và tiến tới giải phóng thành Đông Quan.

Nguyễn Trãi (1380 - 1442) người làng Nhụy Khê (thường gọi Nhị Khê), huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam. Sinh ra ở vùng quê văn hiến, nằm liền kề cửa ngõ phía Đông Nam của kinh thành, ông gắn bó với Thăng Long. Khi giặc Minh sang xâm lược, từ Thăng Long, Nguyễn Trãi đã tìm vào Lam Sơn, dâng Lê Lợi Bình Ngô sách. Cuối năm 1427, Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi đóng đại bản doanh tại làng Đông Phù Liệt, xã Đông Mỹ và làng Việt Yên, xã Ngũ Hiệp (đều thuộc huyện Thanh Trì) để chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn bao vây và tiến tới giải phóng thành Đông Quan.

Nguyễn Trãi là đại thi hào, người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Vậy mà kể từ sau thảm họa tru di tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442) đến nay đã qua gần 6 thế kỷ, đền thờ cụ chỉ có ở làng Nhụy Khê (Hà Tây) và Côn Sơn (Hải Dương). Gần đây, chúng tôi về làng Khuyến Lương (trước thuộc xãTrần Phú, Thanh Trì, nay là phường Trần Phú, quận Hoàng Mai), vùng đất thuộc địa bàn chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Minh, được biết ở đây cũng có đền thờ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.

Đền thờ nằm giữa khu dân cư, bình dị và khiêm tốn như một ngôi nhà dân. Tòa tiền tế 3 gian, khung gỗ chắc chắn, mái lợp ngói ta. Hậu cung đền, phía trong xây vòm cuốn, phía ngoài xây tường gạch. Mái hậu cung làm kiểu chồng diêm, bốn lớp mái. Qua các chữ Hán ở câu đầu, biết ngôi đền trùng tu lần cuối vào năm Tân Hợi (1911). Đền xưa xây trên khu đất Ao Kho. Xế cửa đền có Giếng Đồng xây bằng gạch, đường kính 30 mét. Di vật quý còn lại là khám thờ dựng bằng 4 cột sơn son thiếp vàng, trước gắn cửa võng, đường chạm đơn giản nhưng chắc khỏe. Trong khám đặt ngai thờ, phía trong đặt chân dung Nguyễn Trãi. Đền nằm giữa một vườn cây nhỏ xinh yên tĩnh và thơ mộng. Trong vườn, các vạt rau muống đang lên xanh. Trước đền có hai cây cau đang trổ buồng.

Trả lời câu hỏi vì sao ở Khuyến Lương, địa phương duy nhất ở Hà Nội có đền thờ Nguyễn Trãi, già làng cho biết: Theo người xưa, trong thời gian ở Thăng Long, Nguyễn Trãi có về Khuyến Lương mở trường dạy học. Nơi đây vốn là một gò đất cao, cụ dành cho các nho sinh ngồi học. Ngày trước dân cư còn thưa thớt, hằng ngày ngồi giảng bài ở đây, qua đầm nước mênh mông, cụ có thể nhìn thấy cả kinh thành xa xa ở phía Bắc. Nguyễn Trãi có những ngày tháng sống và gắn bó với đất này. Có thể bài thơ Nôm Gócthành Nam Nguyễn Trãi đã viết ở nơi đây. Khi Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ mất, dân nhớ ơn dựng đền thờ, gọi là Đền Ông. Làng Khuyến Lương trước có 6 phe. Phe Năm và phe Lục giữ việc hương khói ngày rằm, mồng một và tổ chức giỗ cụ vào ngày 16 tháng 8 âm lịch. Trong những năm chiến tranh, đền rơi vào cảnh quạnh hiu. Năm 1999, huyện Thanh Trì đã cấp 30 triệu đồng tu sửa đền. Họ Nguyễn ở Phù Khê, Bắc Ninh - hậu duệ đời thứ 17 của Nguyễn Trãi - nơi sinh ra đồng chí Nguyễn Văn Cừ cung tiến bức hoành Bình Ngô khai quốc; con cháu họ Nguyễn ở Nhụy Khê - quê hương Nguyễn Trãi cúng đôi câu đối, nội dung nói về sự liên quan giữa đất Khuyến Lương ở phía Bắc và đất Nhụy Khê ở phía Nam.

ở cuối làng Khuyến Lương, sát chân đê sông Hồng phía trong còn có đền thờ bà Nguyễn Thị Lộ (tục gọi là Đền Bà), người vợ yêu của Nguyễn Trãi. Đền xưa có tiền tế và hậu cung. Một phe trong làng cũng được cử trông nom ngôi đền. Đáng tiếc là từ 50 năm trước đền rơi vào cảnh hương lạnh, khói tàn. Hồi chống Mỹ có một số người dỡ gạch ở đền đem đi xây hầm trú ẩn, nay chỉ còn sót lại hậu cung, ngói mái tróc vỡ còn trơ vòm cuốn.

Hằng ngày, người người lại qua trên đê, nhìn ngôi đền thờ người đàn bà tài sắc, vì oan khốc mà cùng chồng gánh họa, ai cũng động lòng thương cảm. Cuối cùng, chuyện buồn đến tai những người tâm huyết với lịch sử. Họ bàn nhau góp công của sửa lại ngôi đền. Vào dịp tết Giáp Thân, được sự giúp đỡ của Công ty Bia Việt - Pháp và một số nhà hảo tâm, hậu cung đền thờ Nguyễn Thị Lộ đã được sửa chữa. Hậu cung cỡ 5,5 x 4 mét, xây tiếp trên tường cũ bằng gạch để trần, mái gắn ngói ta. Cửa đi lên ghép ba bậc đá xanh; lan can đá chạm mây hóa rồng. Vòm cửa chính đắp nổi cuốn thư, phượng chầu mặt nguyệt, chim, hoa mai; chính giữa có các chữ Nữ nghi lễ học sĩ linh từ. Để tạo vẻ cổ kính, khu đất đền rộng 160m2 được xây tường hoa bảo vệ; phía trước là cổng đền, có xây 4 trụ biểu theo kiểu kiến trúc xưa.

Đền sửa xong, du khách gần xa đã cung tiến hương án, bộ sập cổ, 2 câu đối, 1 cuốn thư, 1 hoành phi bằng gỗ sơn son. Con cháu họ Nguyễn ở Phù Khê cúng ngai thờ, bài vị, chuông, lư hương, đỉnh đồng...

Đền thờ Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ ở Khuyến Lương, nét đặc sắc của văn hóa thủ đô, bước đầu được nhân dân tôn tạo. Nhưng những gì đã làm còn mang tính tự phát và chưa xứng với tầm cỡ danh nhân. Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, hai ngôi “linh từ” này cần được thành phố lập kế hoạch sửa chữa một cách bài bản, với đủ các hạng mục như nhà thờ, sân, vườn, đường đi vào di tích...Trước hết, ngành văn hóa Hà Nội cần sớm nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng di tích đền thờ Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ ở Khuyến Lương.

HNM

ANHTHU