Gộp Tết ta với Tết Tây: Sao không thử một lần trải nghiệm "cái mới"?
Xã hội - Ngày đăng : 14:18, 11/01/2013
Câu chuyện này xuất phát từ đâu?
Những ngày gần đây, dư luận đang bàn nhiều về ý kiến bỏ Tết Âm lịch, ăn Tết cổ truyền theo lịch Dương như người Phương Tây. Có nghĩa rằng, Việt Nam vẫn sẽ ăn Tết cổ truyền, giữ nguyên các phong tục ăn Tết truyền thống nhưng sẽ theo lịch Dương. Ngày 1 tháng 1 Âm lịch sẽ không đón Tết nữa, thay vào đó sẽ là ngày 1/1 Dương lịch. Ý kiến này này xuất phát từ bài viết rất tâm huyết của Giáo sư - Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân có tên "Tết hội nhập" của ông đăng tải lên mạng vào ngày 2/1/2013 vừa qua.
Trang trí đường phố mừng năm mới ( nguồn ảnh: baomoi). |
Theo bài viết của mình, Giáo sư Võ Tòng Xuân chỉ ra những cái lợi của việc bỏ Tết Âm, ăn Tết ta theo lịch Dương như:
- Hội nhập với nhịp sống của thế giới (Hiện nay Việt Nam chỉ là 1 trong 6 nước đón Tết Âm trên thế giới cùng Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Triều Tiên, Mông Cổ. Trước đây Nhật Bản ăn Tết Âm nhưng đã chuyển sang ăn Tết Dương);
- Trong khi thế giới làm việc, lao động thì Việt Nam mất gần 1 tháng chỉ để nghỉ lễ, khiến lao động bị trì trệ, đình đốn;
- Tránh lãng phí thời gian, của cải, tiền bạc cho việc nghỉ Tết rông dài, tiêu tốn của cải vật chất mà không sản xuất.
Giáo sư nhấn mạnh, việc bỏ Tết Âm, ăn Tết Ta theo lịch Dương hoàn toàn có lợi.
Quan điểm của giáo sư được đưa ra ngay trước thềm tết Qúy Tỵ đang đến, dư luận ngay lập tức chia ra 2 luồng ý kiến trái chiều khá gay gắt, 1 bên phản đối quan điểm này và 1 bên đồng tình với nhận định của Giáo sư. Ý kiến trái chiều phần lớn cho rằng điều đó không nên vì như thế sẽ phạm vào một nét văn hóa lớn và lâu đời của dân tộc. Ý kiến đồng thuận với điều này vì phần đông cho rằng như thế là tuân theo quy luật lịch sử, theo dòng chảy của thời đại.
Sao không thử một lần trải nghiệm"cái mới"?
Trên một tờ báo mạng, độc giả NgTuân nêu ra ý kiến của mình: "Chúng ta ăn tết ta cũng không phải là theo Trung Quốc, chúng ta ăn Tết Tây cũng không phải vì theo Tây. Chúng ta cần xét ăn Tết như thế nào cho phù hợp với cuộc sống đương đại và vì nhu cầu phát triển, Nếu cứ câu nệ cho rằng vì đây là truyền thống, là bản sắc mà không nên thay đổi thì cho tôi hỏi: Tại sao các bạn không mặc quần gụ ám thâm mà đi làm, ở nhà tranh vách đất, bữa ăn thì chỉ tương, cà, rau muống... thôi cho nó đậm đà bản sắc dân tộc? Bạn có thích ô tô của Nhật không? Bạn có thích ở nhà kiểu Tây không? Trước kia Tết đến người ta chỉ dùng những đồng xu lẻ để mừng tuổi cho trẻ con. Còn bây giờ, người ta mượn Tết để hối lộ tiền tấn. Đấy có phải là truyền thống, là bản sắc dân tộc không?"
Ý kiến đó được không ít người ủng hộ. Theo nhóm này, việc gộp chung cho thấy chúng ta đang hòa chung với văn hóa Hội Nhập, tiết kiệm chi phí và thời gian, kỳ nghỉ lại có thể kéo dài liền mạch không bị đứt quãng giữa 2 thời điểm đón Tết Dương với Tết Âm...
Hơn nữa, suy cho cùng, điều gì khiến bạn mong chờ một cái Tết?
Phải chăng vì đó chính là ngày của sự sum vầy, ấm áp khi tình người lan tỏa.
Đó là một ngày mùa xuân, hoa đào hoa mai nở rộ, và các gia đình mang về cắm trong phòng khách nhà mình, xua đi mùa đông ảm đạm lạnh giá. Đó là ngày những đứa con tất bật nơi phương xa trở về với vòng tay của gia đình, ngồi bên bữa cơm đoàn viên cười nói gạt bỏ tất cả những nhọc nhằn năm cũ. Đó là ngày dẹp qua một bên những hiềm khích, anh em bạn bè đến nhà nhau chơi, bắt tay chúc mừng một năm mới bình an hạnh phúc. Cũng là ngày mà ngày xưa bạn háo hức được cha mẹ may cho một tấm áo mới, và giờ đây bạn đang mỉm cười cầm vải đi may cho đứa con của mình...
Tết ta thì mãi mãi là tết của chúng ta, vì người Việt
Vậy, chúng ta đang tranh cãi vì điều gì? Vì thời điểm thay đổi, hay vì bản chất thật sự của Tết? Dù là diễn ra trong thời điểm nào, cái "Tết của chúng ta" vẫn giữ nguyên những giá trị quý giá như thế, văn hóa ngàn đời nay của chúng ta vẫn thắm thiết tình người không thay đổi.
Sự thật là, việc có quá nhiều dịp lễ tết như hiện nay đang tạo nên nhiều "bất hợp lý" và phát sinh nhiều lãng phí. Nên chăng, cùng một kì nghỉ, thử một lần gộp luôn kỳ nghỉ Tết Tây vào Tết Ta để nghỉ được liền mạch hơn, để hòa cùng không khí đón Tết trên khắp thế giới, vui một cái vui chung.
Cùng một công, những người trang trí đường phố đỡ phải dỡ băng rôn "Chúc mừng năm mới" đã treo từ "Tết Tây" xuống, rồi cả tháng sau lại treo lên mừng "Tết ta".
Cùng một giá trị tinh thần to lớn, niềm vui đón năm mới (theo lịch Dương) và niềm vui đón Tết đoàn viên (theo lịch Âm) sẽ được nhân lên...
Như một vài ý kiến chia sẻ: "Dòng chảy cuộc sống khiến chúng ta cần phải thay đổi cũng như tiếp thu những điều mới mẻ, như vậy truyền thống và văn hóa của chúng ta mới có sức sống bền vững và đặc sắc, có tính văn minh và phổ quát. Hiện nay, chúng ta đang loay hoay giữa tiếp thu và loại trừ. Do vậy ngày càng nhiều lễ lạt trong cộng đồng nước Việt Nam ta, hãy thử nhìn xem, Tết Tây-Tết Ta; Giỗ chạp-sinh nhật... Càng ngày, những lễ lạt như thế này càng tạo sức ép lên đời sống của người Việt chúng ta!" (trích đăng ý kiến của độc giả Trần Vân).
Tết ta mãi là tết của chúng ta, vậy chúng ta hãy cùng chọn cho mình một thời điểm thật hợp lý để cùng gia đình hân hoan đón tết. Và việc gộp "Tết Ta" vào "Tết Tây" cũng không hẳn mà một ý kiến tồi.