Phải đẩy mạnh xuất khẩu và bảo vệ sản xuất trong nước
Kinh tế - Ngày đăng : 12:58, 11/01/2013
Năm 2012: SX công nghiệp tăng nhẹ, xuất khẩu bứt phá mạnh
Báo cáo về tình hình công nghiệp và thương mại năm 2012, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, sản xuất công nghiệp năm 2012 tuy gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa được hồi phục, sức mua trong nước và nhu cầu xuất khẩu giảm mạnh nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2012 vẫn tăng 4,8% so với năm 2011. Đây tuy là mức tăng trưởng thấp so với một số năm trở lại đây nhưng trong bối cảnh năm 2012 vẫn là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng lớn.
Đáng chú ý, cơ cấu nội bộ công nghiệp đã tiếp tục có bước chuyển dịch với tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo tăng dần, tỷ trọng của công nghiệp khai khoáng giảm dần. Sản xuất của một số sản phẩm như: điện sản xuất, phân đạm ure có mức tăng trưởng trên 10%. Nhiều công trình đã hoàn thành và cho ra đời sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, tiến tới xuất khẩu. Đặc biệt, hàng tồn kho đã giảm dần qua các tháng.
Dấu ấn tích cực nhất trong hoạt động của ngành Công thương năm 2012 là hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy tình hình thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn đạt kết quả khá, tăng trưởng cả về quy mô xuất khẩu và tốc độ tăng so với năm trước, đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011, vượt xa so với chỉ tiêu đề ra đầu năm.
Tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của nhập khẩu, nên cán cân thương mại đã nghiêng về xuất siêu. Đáng chú ý, khối lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản tăng, xuất khẩu sang thị trường khu vực truyền thống giữ vững, đã tận dụng tốt cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế đa phương và song phương để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
Bên cạnh đó, thị trường trong nước vẫn giữ được tăng trưởng, cung cầu các hàng hóa thiết yếu được đảm bảo. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã được kiểm soát, chỉ tăng 6,81%, thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao (dưới 10%). Cơ chế chính sách điều hành chung thị trường trong nước cũng như đối với các ngành hàng tiếp tục được điều chỉnh, hoàn thiện theo hướng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, điều tiết theo quy luật thị trường có sự quản lý, định hướng nhà nước.
Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực trong năm 2012, tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng nhìn nhận còn nhiều khó khăn hạn chế cần được khắc phục. Đó là tăng trưởng công nghiệp chủ yếu vẫn theo chiều rộng, mức độ gia công còn cao, chưa được cải thiện nhanh, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp còn chậm, khả năng cạnh tranh một số sản phẩm hạn chế; thị trường trong nước phát triển chưa thực sự bền vững, công tác quản lý thị trường vẫn còn không ít bất cập, xuất khẩu tuy tăng trưởng ở mức cao nhưng chưa thực sự vững chắc.
Năm 2013: Mục tiêu tăng trưởng khu vực công nghiệp xây dựng đạt 6,7%
Bước vào năm 2013, dự báo nền kinh tế nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, tác động đối với sự phát triển kinh tế nói chung và ngành công thương nói riêng. Để góp phần thực hiện mục tiêu tổng quát về kinh tế xã hội của cả nước năm 2013, ngành Công thương phấn đấu đạt giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 126,1 tỷ USD, tăng 10%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 8%, chỉ số giá tiêu dùng ở mức 8%.
Theo đó, trong năm 2013, ngành Công thương sẽ tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tham gia tạo lập môi trường cạnh tranh, bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp và thương mại; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại…
Tại hội nghị, một số đại biểu từ các tập đoàn kinh tế lớn như: Dầu khí, Điện lực, Xăng dầu... cũng đã nêu rõ quyết tâm triển khai tốt hoạt động SXKD trong năm 2013. Theo đó, ông Đỗ Văn Hậu- Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết: Năm 2013, Tập đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác khảo sát, tìm kiếm thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí; Tiếp tục thúc đẩy các hoạt động khai thác dầu khí ở nước ngoài và sớm đưa các dự án dầu khí mới vào khai thác; Vận hành an toàn, ổn định nhà máy Lọc dầu Dung Quất ổn định để đảm bảo sản lượng xăng dầu sản xuất năm 2013, góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cả nước. Tập đoàn Dầu khí cũng đề nghị Bộ Công thương và các tập đoàn kinh tế khác, cùng chung tay hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ xăng sinh học, góp phần bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, ông Hoàng Quốc Vượng- Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam nêu rõ quyết tâm: Năm 2013, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 5,5%, nhu cầu điện tăng khoảng 12,6%, nhu cầu điện thương phẩm khoảng 117 tỷ kWh, tương ứng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2013 khoảng 130,5 tỷ kWh. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cam kết cố gắng đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho việc phát triển kinh tế xã hội của cả nước năm 2013.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Ngành Công thương có vai trò rất quan trọng trong tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Vì thế cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời có các biện pháp bảo vệ thị trường trong nước. Bộ cũng cần rà soát lại quy hoạch các ngành công nghiệp, đi liền với đó là xây dựng chiến lược phát triển đúng và trúng, để có những giải pháp mạnh, đạt được mục tiêu năm 2020 trở thành nước công nghiệp. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ Công thương, xây dựng được thể chế chính sách có hiệu quả. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành Công thương cần đặc biệt quan tâm đến công tác đàm phán các hiệp định song phương và đa phương, tạo thuận lợi đẩy mạnh xuất khẩu và bảo vệ sản xuất trong nước.