Chuyến thăm của niềm hy vọng
Thế giới - Ngày đăng : 07:19, 11/01/2013
Đương nhiên, không có những cuộc gặp mang tính nhà nước, cũng không có kết quả cụ thể nào được công bố nhưng chuyến thăm mang tính biểu tượng này vẫn đem lại hy vọng quan hệ Mỹ - Triều Tiên sẽ từng bước được cải thiện trong năm 2013.
Chủ tịch hãng Google Eric Schmidt (giữa) theo dõi sinh viên Triều Tiên làm việc với máy tính. |
Diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Triều đang bế tắc sau Nghị quyết lên án Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa (12-12-2012) của Hạ viện Mỹ, sự có mặt của người đứng đầu một tên tuổi internet hàng đầu thế giới tại Bình Nhưỡng khiến Washington không thể lên tiếng ủng hộ. Bản Nghị quyết mới nhất do Hạ viện Mỹ đưa ra thậm chí còn cáo buộc Triều Tiên và Iran là "hai quốc gia bất lương", có quan hệ thân mật từ những năm 1980 để hợp tác phát triển tên lửa. Không những thế, Washington còn kêu gọi Bắc Kinh tích cực tham gia và hợp tác trong thực thi các biện pháp trừng phạt, cấm vận của các bên liên quan với Triều Tiên.
Tuy nhiên, chuyến thăm Triều Tiên của Chủ tịch Hãng Google E.Schmidt - lần đầu tiên kể từ khi nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un lên cầm quyền được giới chuyên gia nhận định chỉ mang mục đích kinh doanh. Với phần đông 24 triệu dân Triều Tiên, cuộc cách mạng thông tin toàn cầu như chưa diễn ra, nhất là những gì đến từ thế giới bên ngoài. Ở quốc gia Đông Bắc Á này, ngay cả các máy thu thanh cũng chỉ thu được tín hiệu đài nhà nước, nên khái niệm internet với mọi người là điều khá xa lạ. Do đó, không mấy ngạc nhiên khi nhiều người lấy làm lạ về động cơ của E.Schmidt trong chuyến thăm Bình Nhưỡng. Phải chăng Google đang thực sự quan tâm tới tiềm năng thị trường internet còn chưa được khai phá của Triều Tiên?
Trong bối cảnh như vậy, người ủng hộ nhiệt thành nhất cho tự do internet làm gì ở quốc gia kiểm soát thông tin ngặt nghèo nhất thế giới này là điều được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong khi đó, cựu Thống đốc bang New Mexico Bill Richardson - người đã đến Triều Tiên nhiều lần trong hơn 20 năm qua - cho biết, đây là chuyến thăm mang tính nhân đạo nhằm tìm kiếm thông tin về một người Mỹ bị bắt giữ; nhưng, bên cạnh đó tình hình chính trị và kinh tế ở Triều Tiên cũng là điều được ông quan tâm. "Các công dân Triều Tiên sẽ hội nhập sâu rộng hơn nếu được tiếp xúc nhiều hơn với điện thoại di động và internet. Đó là những thông điệp mà chúng tôi đã chuyển tới nhiều quan chức phụ trách chính sách đối ngoại, các nhà khoa học và các quan chức Chính phủ Triều Tiên" - ông Bill Richardson cho biết thêm.
Dù sứ mệnh của cựu Thống đốc B.Richardson trong chuyến thăm không được xác định rõ ràng, nhưng hình ảnh ông cùng vị chủ tịch điều hành một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới đứng trước màn hình máy tính và xem các sinh viên Triều Tiên thao tác để tìm kiếm website của Google khiến cả hai tự tin về một cơ hội kinh doanh giàu tiềm năng trong tương lai tại Triều Tiên. Các chuyên gia phân tích cho rằng, chuyến thăm này dù có kết quả ra sao cũng vẫn được xem là động thái thận trọng trong năm mới của Mỹ trước tuyên bố muốn "cải cách toàn diện" của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.