Hình thành nhiều mô hình nông nghiệp hàng hóa
Xã hội - Ngày đăng : 07:17, 11/01/2013
Đường làng, ngõ xóm khang trang ở Thạch Thất. |
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, đến nay, toàn huyện đã đầu tư xây dựng NTM với nguồn vốn gần 637 tỷ đồng, trong đó thành phố hỗ trợ 300 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa 20 tỷ đồng, còn lại ngân sách huyện, xã. Nhiều địa phương đã khơi gợi được sức dân, xây dựng thành phong trào đóng góp xây dựng đường làng, ngõ xóm như các xã Đại Đồng, Bình Yên... Bên cạnh đó, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị đất canh tác để nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, 60% diện tích canh tác của huyện được trồng bằng giống năng suất, chất lượng cao; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa giá trị cao như vùng trồng hoa 13,2ha ở các xã Yên Bình, Canh Nậu, Đại Đồng, Phú Kim… cho giá trị đạt từ 2-2,4 tỷ đồng/ha. Ở vùng đồi gò bán sơn địa, huyện đã chuyển đổi sang trồng thanh long ruột đỏ với diện tích 35ha và trồng chuối tiêu hồng, bưởi Diễn… cho thu nhập từ 250-350 triệu đồng/ha. Toàn huyện có 52 trang trại chăn nuôi tập trung và 297 mô hình chuyển đổi từ ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản ở các xã Đại Đồng, Lại Thượng, Hương Ngải… trong đó nhiều mô hình cho thu nhập khoảng 250-400 triệu đồng/ha. Vì vậy, thu nhập bình quân đầu người của huyện đã tăng từ 13,1 triệu đồng năm 2010 lên 18,1 triệu đồng năm 2012.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng NTM, huyện Thạch Thất vẫn gặp không ít khó khăn. Cụ thể là vùng đồi gò bán sơn địa, ruộng đất manh mún nên công tác DĐĐT ít thuận lợi. Hệ thống đường nội đồng và tưới tiêu thủy lợi bị chia cắt bởi nhiều dự án quy hoạch như Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học quốc gia Hà Nội, Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai…
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Chu Đại Thành, thời gian tới, huyện sẽ ưu tiên hỗ trợ đầu tư ngân sách cho công tác lập đề án, quy hoạch các dự án phát triển sản xuất và các công trình hạ tầng. Đặc biệt là tập trung vận động doanh nghiệp, nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM bằng ngày công, hiến đất, góp tiền và hiện vật; khai thác nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện xây dựng NTM. Đồng thời, huyện sẽ mở các lớp khuyến công, đào tạo nghề... để đạt mục tiêu mỗi năm chuyển 4.500-5.000 lao động từ sản xuất nông nghiệp sang làm tại các cụm công nghiệp làng nghề.
Trước khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Thạch Thất mới có 3 xã đạt 7 tiêu chí, 19 xã đạt từ 5-6 tiêu chí. Tuy nhiên, sau 2 năm, công tác xây dựng NTM trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn huyện có xã Đại Đồng đạt 18 tiêu chí, 3 xã đạt từ 14-17 tiêu chí; 15 xã đạt từ 11-13 tiêu chí, 3 xã còn lại đạt 10 tiêu chí. |