Giá dầu lạnh trong tuyết trắng
Thế giới - Ngày đăng : 06:59, 11/01/2013
Mối quan hệ tương hỗ theo kiểu thời tiết lạnh - giá dầu nóng như một quy luật mỗi khi Trái đất đón Bà chúa Đông đã bị phá vỡ. Các sàn giao dịch dầu thô toàn cầu vẫn chìm trong trầm lắng khác thường khi giá vàng đen tiếp tục lùi sâu về ngưỡng 93,19 USD/thùng tại thị trường New York trong phiên giao dịch ngày 10-1.
Bắc bán cầu đang trải qua một mùa đông lạnh giá nhưng sức tiêu thụ dầu mỏ vẫn không tăng. |
Tuy không phải là ngưỡng giá quá thấp nhưng đây là phiên thứ 5 liên tục, dầu thô trải qua đợt điều chỉnh xuống, nối tiếp những giao dịch buồn tẻ diễn ra hầu như trong suốt năm 2012. Những tưởng, giai đoạn ảm đạm của thị trường dầu đã kết thúc khi giá dầu thô đột ngột nhảy lên ngưỡng cao nhất của 3 tháng khi đón nhận thông tin nước Mỹ tránh được "Vách đá tài khóa" ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2013. Tuy nhiên, thời khắc tưng bừng của giá dầu đã qua nhanh, chỉ ngày hôm sau (2-1), giá vàng đen lại quay đầu đi xuống. Sự thăng hoa ngắn ngủi của dầu thô diễn ra trong bối cảnh các nhà đầu tư bị kéo về thực tế rằng lượng cung dầu vẫn tăng vì nhu cầu tiêu thụ thấp, Châu Âu vẫn lạc trong mê cung nợ nần và nước Mỹ mới chỉ tạm thoát khỏi "Vách đá tài khóa" đang sừng sững ở trước mặt.
Trong một năm qua, thị trường dầu thô gần như phẳng lặng cùng những bước hồi phục chậm chạp của kinh tế thế giới. Những biến cố chính trị đã không thể tác động mạnh mẽ đến tâm lý thị trường như vẫn thấy. Căng thẳng hạt nhân phương Tây - Iran, thậm chí cả sự kiện Châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử ngừng nhập khẩu dầu của quốc gia Hồi giáo cũng không tạo nên sóng gió với giá dầu như giới đầu cơ từng lo ngại. Do đó, hoàn toàn có thể nhận định rằng, yếu tố chi phối chủ đạo của thị trường dầu thế giới hiện nay chính là những tin tức về nền kinh tế toàn cầu, sự hồi phục và nguy cơ suy thoái… chứ không phải là thời tiết chính trị tại Trung Đông hay Bắc Phi - nơi nắm giữ một trữ lượng dầu lớn của thế giới.
Thật khó để giá dầu có bước đột phá, nhất là sau công bố mới đây của Mỹ rằng lượng cung dầu thô đã tăng 1,3 triệu thùng. Số liệu này là sự khẳng định rõ ràng nhất về việc quốc gia tiêu thụ dầu số 1 thế giới đã không thể sử dụng hết lượng dầu sản xuất ra. Mặc dù vậy, chuyện nhiều ít chỉ là một vấn đề. Đám mây lớn nhất đang che phủ thị trường dầu thô toàn cầu hiện nay là cuộc chiến ngân sách Mỹ. Dẫu đã qua khỏi "Vách đá tài khóa", nhưng trận quyết đấu về ngân sách vẫn đang chờ đợi các nhà lập pháp Mỹ ở phía trước. Cắt giảm chi tiêu, tăng hay giảm thuế sẽ được mổ xẻ trong hai tháng nữa cũng như các cuộc bàn thảo để nâng trần nợ công - đang ở mức 16.400 tỷ USD hiện nay - dự đoán sẽ gây tranh cãi nảy lửa đã không phải là câu chuyện của riêng xứ Cờ hoa. Câu chuyện tài chính nan giải của nước Mỹ cho thấy cường quốc kinh tế mạnh nhất thế giới vẫn đang tiềm ẩn những nhân tố nội tại có thể đẩy nước Mỹ vào vòng xoáy suy thoái thứ hai thật sự khiến dòng chảy của giá dầu thêm băng giá.
Không chỉ riêng nước Mỹ, biến cố tài chính có một không hai đang làm suy yếu cả Châu Âu cũng đã ảnh hưởng đáng kể và trực tiếp đến thị trường năng lượng quốc tế. Như một hệ quả tất yếu của nợ nần, tỷ lệ thất nghiệp của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đã lên kỷ lục mới, 11,8%, mức cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời vào năm 1999. Với một thị trường lao động ngày càng đi xuống như vậy, những người lạc quan nhất cũng phải thừa nhận Châu Âu không thể "đốt" thêm dầu khi vẫn chưa nhanh chóng thoát được nợ nần để tìm đến một nền tài chính ổn định cho người tiêu dùng.
Vì lẽ đó, thị trường dầu mỏ sẽ chưa thể cất cánh như chờ đợi của giới đầu tư hàng hóa. Trong thời gian tới, giá dầu được dự báo sẽ chỉ nóng lên khi nền kinh tế Mỹ và Châu Âu có những chuyển động lạc quan.