Thành công hơn mong đợi!

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:35, 11/01/2013

(HNM) - Sau một năm phát động, sáng 10-1-2013, Báo Hànộimới đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết


“Nóng” nhất là lãng phí đất đai

Ngay sau khi cuộc thi Phóng sự - Ký sự - Điều tra về đề tài “Chống lãng phí, thực hành tiết kiệm” được phát động, Ban Tổ chức (BTC) đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cây bút chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước. Mặc dù trong báo chí, thể tài phóng sự, điều tra vốn được xem là khó, nhưng đa số các bài tham dự thi đều được thực hiện công phu, có tính chính xác cao, chất lượng tốt. Với nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, các bài viết đều chung một đánh giá, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng. 

Tổng Biên tập Báo Hànộimới Tô Quang Phán trao giải nhì cho tác giả Hoàng Trọng Hiếu.Ảnh: Nguyệt Ánh


Qua các bài viết về chống lãng phí, chúng ta nhận thấy lãng phí không phải ở đâu xa, không khó tìm, nó xảy ra hằng ngày, hằng giờ trong cuộc sống thường nhật mà nếu chịu khó quan sát sẽ nhận diện được ngay. Trong số 50 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo cuộc thi, mảng đề tài lãng phí đất đai được xem là “nóng” nhất, thu hút nhiều tác giả tham gia với những bài viết có chất lượng cao. Với tác phẩm “Xẻ thịt đất rừng Sóc Sơn”, tác giả Hoàng Trọng Hiếu (tác phẩm đoạt giải nhì, không có giải nhất) đã phản ánh tình trạng đất hồ, đất lâm nghiệp, nông nghiệp… không giấy tờ được người dân rao bán tự do. Rõ ràng việc tự ý bán đất nông nghiệp, lâm nghiệp ở Sóc Sơn thời gian qua là hành vi vi phạm pháp luật. Còn với người mua, đây là sự đầu tư mạo hiểm, bởi đất mua bán trao tay bất hợp pháp có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào. Câu hỏi được tác giả đặt ra là: Việc mua bán ngang nhiên và khá ồn ã, thậm chí máy xúc, máy ủi hối hả san lấp, xây dựng ngày đêm như một đại công trường, lẽ nào chính quyền địa phương không biết? Để có được loạt bài điều tra công phu, đi đến tận cùng vấn đề, tác giả Hoàng Trọng Hiếu đã gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình tác nghiệp. “Khó khăn lớn nhất là khi chúng tôi tiếp cận được hiện trường, mọi hoạt động san lấp, xây dựng đều lập tức bị đình lại nhằm đánh lạc hướng cơ quan báo chí. Việc tiếp cận với chính quyền địa phương cũng bị cản trở, buộc chúng tôi phải đi “đường vòng”. Rất may bằng nhiều nguồn tin và sau nhiều ngày quan sát, theo dõi, cuối cùng chúng tôi cũng có trong tay những bức ảnh và tài liệu cần thiết…”.

Cũng trong lĩnh vực quản lý đất đai, tác giả Nguyễn Đức Trường lại tiếp cận ở một góc độ khác. Từ loạt bài “Dự án treo: Lãng phí tấc đất, tấc vàng” có thể thấy, để có đầy đủ chứng cứ, ý kiến của đối tượng và sự đánh giá của các cơ quan chức năng về thực trạng lãng phí đất tại các dự án treo là không hề đơn giản. Khi người viết cố gắng tiếp cận các doanh nghiệp có dự án treo hoặc chậm tiến độ, họ thường tìm mọi cách né tránh, trường hợp “bất đắc dĩ” phải gặp thì tìm cách nói sang vấn đề khác. Thực tế này cho thấy, dự án treo luôn là “vùng nhạy cảm” của mỗi chủ đầu tư. Rõ ràng, không một chủ đầu tư nào muốn mảnh đất họ đã bỏ công sức, kinh phí để dự án được phê duyệt bị thu hồi. Các cơ quan chức năng cũng chẳng mấy mặn mà khi trao đổi những vấn đề liên quan đến các dự án treo bởi những lý do nhạy cảm, “khó nói”…

Phát biểu tại lễ tổng kết, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Tô Quang Phán đánh giá: "Cuộc thi Phóng sự - Ký sự - Điều tra về đề tài chống lãng phí, thực hành tiết kiệm là một cuộc thi có đề tài khó. Đáng mừng là cuộc thi đã thu hút nhiều cây viết từ khắp mọi miền trên cả nước tham gia, góp phần trả lời những câu hỏi thiết thực của bạn đọc về những bất cập tồn tại trong cuộc sống".

Lãng phí tràn lan trên nhiều lĩnh vực

Trong thời gian qua, tình trạng buông lỏng quản lý, vi phạm các nguyên tắc quản lý tài chính, ngân sách, làm thất thoát tài sản của Nhà nước còn lớn, nhất là trong một số lĩnh vực như: đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, sử dụng tài sản công, sử dụng ngân sách nhà nước, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Việc tổ chức lễ hội, kỷ niệm ngày thành lập, đón nhận các danh hiệu thi đua, hội nghị... còn mang nặng tính phô trương, hình thức, lãng phí thời gian, tiền bạc của Nhà nước và người dân. Tình trạng lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng của người dân vẫn diễn ra phổ biến… Tất cả vấn đề này đều được đề cập trong những tác phẩm dự thi bằng cách nhìn mới, dẫn chứng sinh động, thuyết phục.

Phản ánh tình trạng chậm xử lý xe vô chủ, tác giả Đào Thị Nga cho chúng ta thấy nỗi xót xa khi tiền tỷ bị lãng quên. Lâu nay xe máy vừa là phương tiện, vừa là tài sản không nhỏ của mỗi gia đình. Song, có một thực tế là các điểm trông giữ xe hiện tại có hàng nghìn, thậm chí hàng vạn chiếc xe vô chủ nằm “đắp chiếu” suốt nhiều năm qua. Đây hầu hết là những xe bị tạm giữ do vi phạm Luật Giao thông đường bộ, xe tai nạn... nhưng bị chủ phương tiện “bỏ của chạy lấy người”. Tình trạng xe vô chủ ngày càng tăng không chỉ gây áp lực cho các điểm trông giữ xe mà còn lãng phí tài sản của người dân.

Ở một góc nhìn khác, loạt bài “Các trung tâm thương mại Hà Nội đang ngắc ngoải” của tác giả Văn Ngọc Thủy lại phản ánh tình trạng các trung tâm thương mại (TTTM) sau khi “lột xác” từ các chợ dân sinh, cộng thêm hàng trăm tỷ đồng đầu tư giờ bỏ hoang hoặc hoạt động trong tình cảnh “sống dở, chết dở”. Những điểm mua bán sầm uất, vị trí đẹp vào bậc nhất như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam… giờ đìu hiu khách bán mua. Nguyên nhân một phần do người dân chưa có thói quen mua sắm trong các TTTM, siêu thị, trong khi chợ cóc mọc tràn lan khắp phố. Nhưng theo lý giải của tác giả, nguyên nhân chính là việc gửi xe không thuận tiện, bố trí khu bán hàng không hợp lý, giá thuê mặt bằng đắt đỏ làm hàng hóa trong các TTTM đội giá lên cao khiến người tiêu dùng e ngại. Một số TTTM lớn như TTTM Thanh Trì “điểm nhấn kiến trúc cho cửa ngõ phía nam Thủ đô” cả nghìn mét vuông diện tích sàn không được sử dụng, để xuống cấp lãng phí…

Có những sự lãng phí dễ “điểm mặt, chỉ tên” như trên, nhưng có những lãng phí vô hình, không dễ gì nhận ra, ví dụ như lãng phí trong việc chậm cải cách hành chính. Theo tác giả Hiền Chi (giải khuyến khích), cải cách hành chính không còn là mới, đã được thực hiện nhiều năm qua, song do cách triển khai chưa đồng bộ, chưa thực sự hiệu quả nên không những gây phiền hà cho tổ chức, công dân mà còn trở thành vấn đề bức xúc kéo dài ở nhiều địa phương gây tốn kém, lãng phí lớn. Và dù các cơ quan đã có cố gắng trong việc điều chỉnh cách thức giải quyết công việc của dân, nhưng những bất cập trong công tác cán bộ cùng với vô vàn thủ tục hành chính chồng chéo, rườm rà, nhiều khi “đá” nhau khiến người dân và doanh nghiệp luôn “sợ” khi phải giải quyết những việc liên quan đến thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, cuộc thi còn có những hạn chế, còn nhiều bài viết có chất lượng chưa cao, thiếu những bài viết mang tính phát hiện nhân tố mới, điển hình tiên tiến trên lĩnh vực đấu tranh chống lãng phí…

Cuộc thi viết Phóng sự - Ký sự - Điều tra “Chống lãng phí, thực hành tiết kiệm” đã khép lại, nhưng nó đã để lại những dư âm đẹp trong lòng bạn đọc và cả những tác giả tham gia. Sự thành công của cuộc thi tạo tiền đề để Báo Hànộimới tiếp tục tổ chức những cuộc thi viết Phóng sự - Ký sự - Điều tra về đề tài không bao giờ cũ này.

Bảo Nga