Nhà không thấy, tiền cũng không trả
Đời sống - Ngày đăng : 07:32, 10/01/2013
Tháng 8-2010, ông Trương Quỳnh Lâm (số 71, Nguyễn Công Hoan, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) ký hợp đồng cho Công ty CP Tư vấn Đầu tư xây dựng và kinh doanh BĐS ATIS Việt Nam (Công ty ATIS có trụ sở tại 153B - Mai Hắc Đế, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng) vay 6,75 tỷ đồng để công ty này đầu tư xây dựng dự án "Trung tâm Thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ - IDB", số 19/298 Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội. Thời hạn vay 6 tháng, lãi suất 0% và Công ty ATIS dành cho bên cho vay quyền mua các căn hộ có tổng diện tích 938m2 sàn. Tuy nhiên, theo ông Trương Quỳnh Lâm, đến nay dự án vẫn chưa khởi công, mà số tiền Công ty ATIS vay của ông quá hạn đã lâu chưa lấy lại được. Đã nhiều lần ông Lâm đến làm việc với đại diện Công ty ATIS và cũng từng đấy lần công ty này thất hứa. Tính đến tháng 8-2012 (tức là sau 2 năm cho vay) số tiền mà ATIS vay, cả gốc và lãi được hai bên đối chiếu công nợ, đã lên tới hơn 9,3 tỷ đồng.
Điều đáng nói, qua tìm hiểu được biết Công ty ATIS không phải là chủ đầu tư của dự án "Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ - IDB", số 19/298 Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội và cũng không có quyền sử dụng thửa đất trên. Chủ thực của dự án và khu đất là một doanh nghiệp khác - Công ty CP Đầu tư và Phát triển kinh doanh - IDB. Thực chất, Công ty ATIS cũng chỉ là một bên hợp tác xây dựng tòa nhà Trung tâm Thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ 19/298 Ngọc Lâm. Bên Công ty IDB góp bằng quyền sử dụng đất, còn bên Công ty ATIS đầu tư chi phí xây dựng. Theo hợp đồng hợp tác, quy mô khu đất khoảng 3.700m2, quy mô công trình 17 tầng nổi, 2 tầng hầm, với tổng diện tích sàn 38.000m2. Tuy nhiên, trên thực tế đến tháng 7-2012, UBND TP Hà Nội mới có quyết định cho phép Công ty IDB chuyển mục đích sử dụng đất tại số 19/298 Ngọc Lâm để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ IDB. Chúng tôi đã liên hệ với ông Trần Quang Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty IDB để tìm hiểu thêm về dự án này, nhưng ông Nghĩa từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.
Trên thực tế việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư với doanh nghiệp này, sau đó huy động vốn của các cá nhân, tổ chức khác để thực hiện dự án là cách mà nhiều doanh nghiệp bất động sản đã làm trong thời gian qua. Khi thị trường bất động sản đang phát triển "nóng", không ít doanh nghiệp đã phất lên rất nhanh bằng cách "tay không bắt giặc" này. Nhưng, khi thị trường "đóng băng", dòng vốn "tắc nghẽn" dự án không thể triển khai như tiến độ thì cũng là lúc không ít doanh nghiệp rơi vào vòng xoáy nợ nần, lãi "mẹ" đẻ lãi "con". Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu, theo dõi vụ việc và thông tin đến bạn đọc.