Hà Nội những ngày dưới 10 độ C
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:13, 10/01/2013
Lạnh! Đó là cảm nhận của mỗi người khi buộc phải ra đường trong những ngày này. 4h30 sáng, giờ đó, trong tiết trời bình thường, có lẽ người đi tập thể dục đã nườm nượp quanh cái nhà văn hóa Từ Liêm cũng như khu vực sân vận động quốc gia Mỹ Đình gần nơi tôi ở. Ấy vậy mà buổi sáng tôi dậy, suốt đoạn đường từ ngã tư Nhổn lên đến sân vận động quốc gia Mỹ Đình, không còn ai tập thể dục sáng. Trong các đường gom, chỉ thấy thấp thoáng bóng chị lao công cặm cụi đẩy những chiếc xe rác ngồn ngộn về điểm tập kết rác.
Người Hà Nội đốt lửa chống rét.
Quốc lộ 32, lâu nay vốn là cung đường chính của những chuyến xe chở rau từ phía tây vào thành phố. Thế mà nay cũng chỉ lác đác vài người đi chợ sớm, mặt mũi bịt kín bằng những chiếc khăn. Những sọt rau kẽo kẹt sau chiếc xe đạp thồ hoặc trên những chiếc xe máy. Chợ rau đã họp tự khi nào, dù đông đúc nhưng ai cũng co ro trong chiếc áo kéo kín hoặc áo mưa. Chị Phạm Minh Thúy, ở Tây Tựu, Từ Liêm hai tay xoa vào nhau hít hà: "Mấy hôm nay chợ vắng lắm. Người bán ít, người mua cũng ít". Theo chị Hợp, lạnh quá nên nhiều người buôn rau nghỉ chợ. Chỉ có người trồng rau vì đến lứa thu hoạch buộc phải mang ra chợ bán mà thôi. Chính thế, rau cũng được giá hơn. Mớ rau muống trái mùa bình thường bán buôn chỉ được 1-2 nghìn đồng mấy hôm nay lên đến 4-5 nghìn đồng không còn mà bán; mớ rau cần cũng 4 nghìn đồng… "Lạnh thế này, ai mà đi lội ao, lội ruộng cắt rau được. Lại còn công mang ra chợ ngồi chết rét thế này. Thôi các bác chịu khó ăn rau đắt vài hôm vậy nhé". - Chị Hợp nói như phân bua. Cùng cảnh với chị Hợp, anh Khuất Đình Thành, ở Phúc Thọ chở đầy một xe xu hào lên chợ. Dựng vội chiếc xe, anh lao vào đống lửa của những bạn hàng được nhóm bập bùng trong góc chợ. Tay hơ lên lửa, anh xuýt xoa: "Mai có lẽ nghỉ chợ sớm thôi. Lạnh quá!".
Chống lạnh, câu nói cửa miệng của người dân sinh sống ở Hà Nội những ngày gần đây. Dọc nhiều tuyến đường, có thể chứng kiến đủ kiểu chống lạnh của những người phải bám đường mưu sinh. Anh Nguyễn Văn Bình, quê ở Nam Định, làm nghề xe ôm hằng ngày vẫn chờ khách bên chợ Định Công nhăn nhó giở túi đồ nghề: Găng tay xốp, khăn quàng, bịt tai, áo mưa bộ… anh Bình cho biết, lúc không có khách thì anh em tập trung bên đống lửa cho đỡ lạnh. Lúc phải chở khách, ai nấy đều mặc những bộ áo mưa liền quần, vừa tránh mưa, vừa đỡ gió lạnh. Chỉ vào khu chợ lép nhép lầy lội, anh Bình nói: "Anh nhìn kìa, các bà bán hàng cũng phải mặc áo mưa. Lạnh thế này, cũng vì đồng tiền bát gạo chúng tôi mới phải ra đường chứ có sung sướng gì".
Trong khi đốt lửa là cách chống lạnh của những người phải bám đường kiếm sống thì nhiều gia đình có trẻ em, người già đang chạy đôn chạy đáo đi mua những thiết bị sưởi ấm mùa đông. Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc bán hàng của hệ thống siêu thị Mediamart cho biết, nhu cầu sưởi ấm của người dân tăng cao một cách đột biến, mỗi ngày tại 5 trung tâm của Mediamart, có hơn 1.000 chiếc quạt sưởi các loại được bán ra. Doanh số tăng gấp 6 lần so với các tháng trước đó. Trước đây, nhiều gia đình chỉ mua các loại đèn sưởi Halogen nhưng năm nay không ít người đã tìm mua quạt sưởi dầu, máy sưởi dầu, máy sưởi điều hòa… dù những thiết bị này đắt hơn đến cả chục lần. Đèn sưởi nhà tắm cũng được nhiều gia đình mua về phục vụ nhu cầu… chống rét. Cũng theo ông Hải, các sản phẩm đèn sưởi dầu chiếm tỷ trọng 50-60% trong tổng số các thiết bị sưởi được bán ra. Dự đoán trong những ngày tới, doanh số các sản phẩm máy sưởi sẽ tiếp tục tăng mạnh vì thời tiết sẽ còn lạnh. Nhiều nơi đã bắt đầu có hiện tượng “cháy hàng” các sản phẩm thiết bị sưởi, thậm chí một số siêu thị, cửa hàng bán lẻ có hiện tượng tăng giá.
Cũng tại siêu thị Mediamart, anh Nguyễn Huy Văn, ở khu đô thị Linh Đàm vừa mân mê chiếc máy sưởi dầu vừa nói: "Lạnh quá tôi phải cho thằng cu con mới 4 tuổi nghỉ học ở nhà với ông. Trước vẫn dùng chiếc đèn Halogen nhưng sợ không an toàn cho cả hai ông cháu đành nghiến răng mua chiếc máy sưởi dầu gần 2,5 triệu đồng". Chị Bạch Minh Hồng, một khách hàng góp chuyện: "May quá nhà em mua được chiếc đèn sưởi Nano từ đầu mùa lắp trong nhà tắm. Lúc đó em mua mới có 1,2 triệu, giờ đã thấy bán 1,7 triệu đồng. Nhưng cũng đỡ chứ mỗi lần tắm rửa cho trẻ con mà không có đèn sưởi thấy chúng khổ quá".
Khổ nhất vẫn là trẻ em!
Vì rét kéo dài, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn gửi các quận, huyện, các trường theo dõi bản tin thời tiết của Đài Truyền hình Việt Nam vào lúc 6h15' hằng ngày trong chương trình "Chào buổi sáng" để chủ động cho học sinh nghỉ học. Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã và các trường được phép quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp: các trường mầm non, tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ dưới 10 độ C; cấp THCS nghỉ học khi nhiệt độ dưới 7 độ C. Những trường tổ chức học vào ngày dưới 10 độ phải bảo đảm các điều kiện, cơ sở vật chất phòng chống rét cho học sinh, nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm, không bắt buộc học sinh phải mặc quần, áo đồng phục. Có lẽ không chỉ các phụ huynh mà đám trẻ tiểu học cũng nắm rõ "quyền lợi" của mình. Nhiều phụ huynh tôi gặp ở các cổng trường kể: Cứ 6 giờ sáng là con tôi thò đầu ra khỏi chăn, mắt nhắm, mắt mở theo dõi ti vi dự báo thời tiết. Nếu thấy thông báo dưới 10 độ là lập tức chui tụt vào chăn, ngủ tiếp.
Do trời lạnh kéo dài, những ngày qua nhiều bệnh viện của Hà Nội đã quá tải. Lãnh đạo Bệnh viện Nhi cho biết, bệnh nhi 3 đến 6 tháng tuổi nhập viện tăng đột biến, chủ yếu mắc viêm tiểu phế quản. Một số trường hợp do cha mẹ chủ quan nên khi trẻ nhập viện tình trạng bệnh đã quá nặng, bị tổn thương nghiêm trọng phế quản, như thế việc chữa trị sẽ rất lâu và tốn kém. Tại Khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ cũng cho biết, số trẻ bị viêm phổi những ngày qua tăng gấp đôi so với trước. Ngoài viêm phổi, nhiều trẻ lên cơn hen cấp hoặc mắc các bệnh đường hô hấp khác, đặc biệt ở trẻ nhỏ là viêm tiểu phế quản, trẻ lớn hơn là viêm mũi, đường hô hấp trên do virus. Số trẻ bị tiêu chảy do rotavirus cũng tăng lên đáng kể trong mấy ngày gần đây. Nhìn những dòng người ùn ùn kéo nhau đưa con tới viện khám mà tôi cũng thấy như lạnh tím từng khúc ruột, lo cho lũ trẻ ở nhà…
Dưới cái lạnh tê tái, những hoạt động thường nhật dường như chậm hơn, ai cũng muốn nhanh chóng tìm cho mình chỗ trú ẩn ấm áp. Có tiếng loáng thoáng điện thoại rủ nhau đi ăn trưa nhưng có lẽ đầu bên kia người nghe điện đã từ chối vì trời lạnh, vì ngại đi. Và chắc chắn, chỉ những người thực sự có việc, những người vì mưu sinh họ mới phải bước ra đường trong cái lạnh thấu xương của những đợt rét đậm. Không biết trong 6-7 ngày tới, cái rét liệu có giảm đi theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia hay không, nhưng hình ảnh của bà cụ choàng áo mưa co ro góc chợ bên gánh rau muống già hay những em bé bịt kín từ chân đến đầu trước mỗi cổng trường cứ ám ảnh tôi. Nhiều người ở phương Nam độ này muốn ra Hà Nội hưởng tí rét, lãng mạn quá. Riêng tôi, mà không, chắc chắn nhiều người Hà Nội những ngày này chỉ thầm lạy giời ấm lên cho đỡ khổ.